Ả Rập Xê Út sẽ kiểm soát nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ

22/03/2016 17:25 GMT+7

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ sắp về dưới sự kiểm soát của Ả Rập Xê Út. Điều này có thể phức tạp hóa mối quan hệ năng lượng giữa Mỹ và quốc gia Trung Đông.

Nhà máy lọc dầu lớn nhất nước Mỹ sắp về dưới sự kiểm soát của Ả Rập Xê Út. Điều này có thể phức tạp hóa mối quan hệ năng lượng giữa Mỹ và quốc gia Trung Đông.

Một nhà máy lọc dầu - Ảnh: ShutterstockMột nhà máy lọc dầu - Ảnh: Shutterstock

Theo CNN, Saudi Aramco, hãng dầu khí nhà nước Ả Rập Xê Út, mới đây công bố kế hoạch kiểm soát nhà máy lọc dầu Port Arthur, bang Texas. Cơ sở này là nhà máy lọc dầu lớn nhất ở Mỹ, có thể xử lý 600.000 thùng dầu mỗi ngày.

Port Arthur có giá trị chiến lược lớn, đặc biệt trong bối cảnh dầu khí Mỹ bùng nổ đã làm giảm mức cầu của nền kinh tế lớn nhất thế giới dành cho dầu thô nước ngoài. Ả Rập Xê Út sẽ có toàn quyền kiểm soát nhà máy lọc dầu, sau đó có thể mang nhiều dầu thô của họ hơn tới đất Mỹ để tinh chế và bán ở thị trường Bắc Mỹ.

“Ả Rập Xê Út sẽ có một chiếc mỏ neo cho phần lớn sản lượng dầu thô của họ. Port Arthur là viên ngọc mà Ả Rập Xê Út muốn”, chuyên gia phân tích năng lượng Tom Kloza thuộc Dịch vụ Thông tin Giá dầu cho biết.

Saudia Aramco hiện đã sở hữu một nửa nhà máy lọc dầu Port Arthur cùng với hãng Royal Dutch Shell thông qua một liên doanh tên Motiva Enterprises. Song hai gã khổng lồ năng lượng này đã có mối quan hệ bất hòa trong nhiều năm. Tuần trước, họ công bố ý định chia Motiva Enterprises.

Shell sẽ giành quyền kiểm soát hai nhà máy lọc dầu ở Motiva, bang Louisiana và 9 cơ sở phân phối dầu. Saudi Aramco sẽ có Port Arthur cùng 26 cơ sở phân phối dầu, cùng cấp giấy phép cho thương hiệu Shell bán xăng và dầu diesel tại Texas.

“Đây là một cuộc ly hôn rất tốn kém”, ông Kloza nói. Shell và Aramco luôn có hai nguồn dầu khác nhau, trong khi Ả Rập Xê Út có lẽ sẽ thích nhà máy Port Arthur xử lý dầu của họ được đem đến từ Trung Đông, Shell đang bơm hàng tấn dầu thô từ vùng nước sâu của vịnh Mexico để xử lý.

Cuộc "ly hôn" Motiva Enterprises cũng có thể là một bước hướng đến kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Saudi Aramco. Hồi tháng 1, Ả Rập Xê Út cho biết họ cân nhắc bán cổ phần tập đoàn dầu khí quốc doanh. Motiva có thể là một trong những tài sản đầu tiên tách khỏi Aramco - hãng dầu kiểm soát 261 tỉ thùng trong trữ lượng đã được chứng minh ở Ả Rập Xê Út, hay khoảng 15% lượng dầu dự trữ toàn cầu.

Thỏa thuận nhà máy Port Arthur có thể chỉ phức tạp hóa mối quan hệ năng lượng giữa Mỹ và Ả Rập Xê Út.

Một mặt, Ả Rập Xê Út từ lâu đã là một nguồn cung cấp dầu cho Mỹ. Mỗi ngày, Mỹ nhập khẩu 1,2 triệu thùng dầu của Ả Rập Xê Út, theo số liệu Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố cuối tháng 2. Đây là mức gấp đôi so với năm trước.

Tuy nhiên sản lượng dầu thô Mỹ cũng tăng gần gấp đôi trong một thập niên qua, tạo ra lượng dư cung lớn. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) với sự dẫn đầu của Ả Rập Xê Út đã từ chối cắt giảm sản lượng để chặn đà giảm giá. Điều này làm tổn thương ngành công nghiệp dầu khí Mỹ vốn đang trong trạng thái suy thoái nghiêm trọng.

Ả Rập Xê Út vẫn đang tiếp tục bơm dầu để gây sức ép lên các nhà sản xuất chi phí cao tại Mỹ và những nơi khác. Thỏa thuận Port Arthur sẽ cung cấp cho dầu thô đất nước Trung Đông thêm một con đường mới.

“Đây có vẻ như là một động thái tương đối sắc bén của Ả Rập Xê Út. Đó là dấu hiệu cho thấy họ muốn có một chỗ đứng ở Mỹ đến mức nào”, chuyên gia nghiên cứu hàng hóa Matthew Smith tại ClipperData nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.