Ám ảnh ngập từ đầu mùa mưa

05/06/2020 04:39 GMT+7

Ngay từ đầu mùa mưa, người dân TP.HCM lại ám ảnh nỗi lo lội nước về nhà hằng ngày vì hễ mưa là ngập, đường sá chìm trong biển nước.

Luẩn quẩn ngập, kẹt xe

Từ cuối tháng 5 trở về đây, TP.HCM gần như ngày nào cũng có mưa, kéo dài nhiều giờ khiến hàng loạt con đường lênh láng nước.
Khoảng 15 giờ chiều 3.6, cơn mưa như trút biến “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) thành sông. Đoạn từ cầu Thủ Thiêm đổ về tới cầu Sài Gòn (Q.Bình Thạnh) ngập sâu tới nửa mét. Với lượng lớn phương tiện đổ về vào cuối giờ chiều, gặp thêm loạt rào chắn lô cốt phục vụ dự án thi công sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh án ngữ gần hết 2 làn xe khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Ô tô, xe máy chôn chân dưới “lòng sông”, kéo dài hàng ki lô mét. Dòng người ùn ứ đổ về phía chân cầu Sài Gòn, nhập cùng làn xe từ hướng đường Điện Biên Phủ đổ lại khiến khu vực cửa ngõ TP gần như tê liệt, ùn tắc hàng giờ đồng hồ. Tương tự, hàng ngàn người dân di chuyển trên loạt tuyến đường Ung Văn Khiêm, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Xí… chật vật trong làn nước dâng tới quá nửa bánh xe.
Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường
KTS Ngô Viết Nam Sơn
Hơn 16 giờ, mưa bắt đầu ngưng, nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dần rút hết nhưng tới gần 18 giờ, hàng ngàn phương tiện vẫn chưa được khơi thông.
Đáng nói, đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập sâu nhất cũng là khu vực đang lắp đặt “siêu” máy bơm chống ngập do Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đầu tư mà TP đã thuê lại với mức giá 14,2 tỉ đồng/năm, trong thời gian 7 năm. Do đó, việc tuyến đường này cứ mưa là ngập khiến không ít người dân càng thêm bức xúc.
Hàng ngàn người dân TP.HCM vất vả lội nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cơn mưa chiều 3.6 Ảnh: Ngọc Dương

Hàng ngàn người dân TP.HCM vất vả lội nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cơn mưa chiều 3.6

Ảnh: Ngọc Dương

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Công ty Quang Trung, cho biết chiều 3.6, cơn mưa rất to chỉ trong 48 phút đã khiến nước dâng lên tới 48,8 cm. Tới 16 giờ 30 phút mưa tạnh, 16 giờ 45 phút, hệ thống máy bơm thông minh hoạt động đã hút hết nước, giúp toàn bộ khu vực này hết ngập. “Theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng, sau khi hết mưa 30 phút mà đường vẫn chưa thoát nước thì mới được đánh giá là ngập. Máy bơm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, vị này cho hay.
Đại diện Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng TP) cũng xác nhận nếu không có “siêu” máy bơm, đường Nguyễn Hữu Cảnh không thể nhanh chóng rút nước như vậy.

Xóa ngập “trên giấy”

Báo cáo tổng kết 4 năm thực hiện chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 của Sở Xây dựng TP cho biết đã giải quyết được 25/36 tuyến đường trục chính ngập do mưa.
Trong đó, nhiều tuyến đường như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, QL13 (Q.Bình Thạnh), An Dương Vương... thực tế lại là những tuyến đường ngập nghiêm trọng ngay trong những trận mưa đầu mùa. Tương tự, Sở Xây dựng dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ xóa được 9/9 tuyến đường trục chính bị ngập do triều nhưng trước khi mùa mưa tới, hàng loạt tuyến đường từ cửa ngõ đến nội thành của TP cũng đã biến thành sông vì triều dâng.
Chưa kể, dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến biến đổi khí hậu giai đoạn 1” 10.000 tỉ đồng - một trong những dự án chống ngập quan trọng nhất được kỳ vọng kiểm soát ngập do triều cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP - vẫn đang vướng mặt bằng và tiếp tục xin lùi đích, chưa biết có thể hoàn thành trong năm nay hay không.
Một tiệm sửa xe máy trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức) bị ngập sau cơn mưa chiều 4.6

Một tiệm sửa xe máy trên đường Tô Ngọc Vân (Q.Thủ Đức) bị ngập sau cơn mưa chiều 4.6

Lý giải về những con số báo cáo có độ vênh so với thực tế, đại diện Sở Xây dựng cho biết đối với các tuyến đường trục chính ngập do mưa, do các dự án được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết định 752 của Thủ tướng Chính phủ không còn phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu, nên khi mưa lớn, vượt tần suất thiết kế vẫn xuất hiện ngập. Bên cạnh đó, các dự án chống ngập mới chỉ bắt đầu triển khai hoặc chuẩn bị thực hiện nên chưa thể hiện rõ lợi ích và hiệu quả của dự án. Ngoài ra, với 2 tuyến đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh), do hạ nguồn thoát nước là tuyến rạch Xuyên Tâm chưa được giải quyết nên vẫn chưa thể thoát ngập.
“Công tác chống ngập của TP.HCM hiện còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Quá trình đô thị hóa dọc theo các tuyến đường diễn ra nhanh chóng nên hạ tầng thoát nước chưa kịp phát triển theo quy hoạch gây ra tình trạng ngập lụt. Tuy nhiên, việc đánh giá lại các quy hoạch để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với thực tế còn chậm. Ngoài ra, chưa xác định được các chỉ tiêu về hệ số mặt nước, vùng đệm thoát nước, chưa có quy hoạch cao độ nền làm cơ sở tính toán chính xác khi đầu tư hệ thống thoát nước…”, đại diện Sở Xây dựng nêu bất cập.

Loay hoay chưa tìm ra lối thoát

Nhìn bảng mục tiêu và giải pháp thực hiện công tác chống ngập mà Sở Xây dựng dự kiến triển khai trong giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025, vẫn là những giải pháp cũ, những cái tên công trình cũ chưa thực hiện, “vắt” từ giai đoạn này sang giai đoạn kia suốt hàng thập niên chưa xong. Danh sách các công trình lên tới gần 70, trong đó có rất nhiều dự án “khủng” như xây dựng 7 hồ điều tiết ngầm; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm; Cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên)…

Nỗi khổ nhiều năm: “Mưa nhỏ mưa lớn gì cũng ngập hết”

KTS Ngô Viết Nam Sơn nhận định việc TP.HCM loay hoay càng chống càng ngập là kết quả của sự thiếu đồng bộ, manh mún trong quy hoạch các công trình chống ngập. Việc buông lỏng cấp phép xây dựng khiến công tác đánh giá báo cáo tác động môi trường của các dự án không hiệu quả. Điều này được minh chứng rõ qua việc những khu vực ngập nặng nhất, những điểm ngập mới đều nằm gần các công trình mới được xây dựng. “Muốn dứt điểm ngập, phải nhìn từ quy hoạch cả khu vực chứ không chỉ tập trung giải quyết mỗi con đường. Đối với các tuyến đường trung tâm cũng vậy, nếu chỉ dựa vào một vài dự án cải tạo đường ống thoát nước thì không thể hết ngập. Do đó, TP cần có bản kế hoạch bao trùm, tổng hợp sự phối hợp từ tất cả các ngành giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng...”, ông Sơn đề xuất.

Người dân bỏ việc, ra hỗ trợ người đi đường qua đoạn ngập nước

Khu vực trung tâm TP sẽ hết ngập vào năm... 2021

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM vào chiều 4.6, lý giải việc nhiều khu vực ngập sau một số cơn mưa đầu mùa, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng các dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh.
Các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện ở khu vực trung tâm TP trong khi các khu vực vùng ven chưa xử lý triệt để. Dự kiến khu vực trung tâm TP sẽ hết ngập vào năm 2021 và các khu vực khác sẽ thực hiện chống ngập theo các đề án của chương trình trọng điểm.
Liên quan đến vấn đề người dân có phải trả phí chống ngập được dư luận quan tâm thời gian qua, ông Khiết cho biết vừa qua Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP thuê Phân viện Kinh tế miền Nam (thuộc Bộ Xây dựng) xây dựng định mức và đơn giá chống ngập.
Sau khi có bộ định mức đơn giá, công tác chống ngập sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ dưới hình thức giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm các dịch vụ công sử dụng ngân sách. “Kinh phí chi trả từ nguồn chi thường xuyên nên người dân không phải chi trả cho các chi phí này”, ông Khiết khẳng định.
Sỹ Đông 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.