Điển hình phải kể đến dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng và khai thác quỹ đất ven rạch Xuyên Tâm. Được đánh giá là con rạch ô nhiễm nhất TP, dự án này đã được TP phê duyệt từ năm 2002, nhưng đã 18 năm trôi qua vẫn nằm trên giấy. Báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP.HCM trong buổi thực địa kiểm tra các dự án chống ngập trên địa bàn Q.Bình Thạnh diễn ra vào giữa năm 2019, ông Hồ Phương, Phó chủ tịch UBND Q.Bình Thạnh, cho biết dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (chiều dài toàn tuyến khoảng 6,2 km) được TP giao cho quận từ tháng 8.2016, yêu cầu bằng mọi cách phải hoàn thành dự án chậm nhất vào 12.2018. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể triển khai do mức đầu tư quá lớn, khó kêu gọi các nhà đầu tư. Cụ thể, dự án ban đầu ước tính khoảng 4.000 tỉ đồng bao gồm hơn 1.000 tỉ đồng cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hơn 2.000 tỉ đồng là chi phí xây lắp. Tuy nhiên do chậm trễ, đến nay chi phí giải phóng mặt bằng ước tính đã “đội” lên 3.750 tỉ đồng.
Từ tháng 8.2019 đến nay, UBND TP.HCM đã nhiều lần có văn bản yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cải tạo, nạo vét rạch Xuyên Tâm nhưng tới giờ, người dân sống quanh khu vực này vẫn đợi chờ mòn mỏi chưa biết khi nào mới thoát được tình cảnh khốn khổ vì ô nhiễm.
Tương tự, dự án cải tạo kênh Hy Vọng dài hơn 1,8 km kết hợp làm đường giao thông hai bên tạo điều kiện tiêu thoát nước chống ngập cho lưu vực sân bay Tân Sơn Nhất đã được TP chấp thuận phương án từ năm 2013. Giữa năm 2016, UBND TP đã có quyết định phê duyệt dự án quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có mục cải tạo kênh Hy Vọng với chiều dài hơn 1,8 km, thời gian thực hiện giai đoạn 2016 - 2021. Tuy nhiên, đến giữa năm 2017, TP bất ngờ có thông báo kết thúc dự án không sử dụng vốn ODA và WB, do vậy cần phải bố trí nguồn vốn khác để tiếp tục thực hiện.
Tháng 8.2018, Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM tiếp tục kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cải tạo kênh Hy Vọng bằng nguồn ngân sách với mức đầu tư khoảng 150 tỉ đồng. Dù vậy, đến nay dự án vẫn đang còn gặp nhiều vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vốn và thủ tục đầu tư nên chưa thể triển khai.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu, chỉ cần TP có nguồn lực và giải pháp đúng sẽ thực hiện được ngay. Hiện nay Chính phủ đã cho phép TP thực hiện rút gọn về thời gian, phương thức đền bù. Chính sách thu hút đầu tư cũng đã có nhiều tích cực để thu hút các nhà đầu tư. Trong đó cần áp dụng cách làm của chung cư cũ để kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, với cách
làm là “bia kèm mồi”. Cụ thể, nếu giải tỏa nhà trên, ven kênh rạch cần cơ chế cho doanh nghiệp vừa làm dự án chỉnh trang vừa được làm chủ đầu tư cả dự án bất động sản sau này, được đổi các khu đất.
Bình luận (0)