Áp lực tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

19/09/2020 08:10 GMT+7

Sức ép giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng cuối năm là rất lớn, khi tỷ lệ còn lại phải thực hiện lên tới 53%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa thúc giục các bộ, ngành, địa phương tăng tốc giải ngân đầu tư công, trong đó có vốn ODA - chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Sức ép giải ngân

Trong văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nội địa vừa được ban hành, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn tất kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm nay. Thực tế cho thấy sức ép giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng cuối năm là rất lớn, khi tỷ lệ còn lại phải thực hiện lên tới 53%. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đến hết tháng 8 đạt gần 221.800 tỉ đồng, mới đạt 47% so với kế hoạch giao đầu năm, trong đó, vốn ngân sách T.Ư đạt 37,8%, vốn ngân sách địa phương đạt 55,1%.
Theo đánh giá, dù đã cải thiện so với những năm trước, nhưng giải ngân vốn đầu tư công tới nay vẫn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Khối lượng giải ngân còn tồn đọng đang trông đợi rất lớn vào tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông, dự án bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, hay các kế hoạch nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất... Trong khi đó, nhiều dự án sử dụng vốn vay ODA như cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị… tiến độ đang ì ạch, thậm chí ngưng trệ, kéo theo tỷ lệ giải ngân vốn rất thấp.
Áp lực tăng tốc giải ngân đầu tư công

Nhiều dự án hạ tầng sử dụng vốn vay ODA, như cao tốc Bến Lức - Long Thành, đang ngưng trệ, kéo theo tỷ lệ giải ngân thấp

Ảnh: Ngọc Dương

Dự án trọng điểm chật vật

Với 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, thống kê đến cuối tháng 8, đã giải ngân được 5.530 tỉ đồng trên tổng số 8.970 tỉ đồng kế hoạch năm, đạt 61,6%. Bộ GTVT cho biết 3 dự án chuyển đổi vốn đầu tư công là Phan Thiết - Dầu Giây, Vĩnh Hảo - Dầu Giây và Mai Sơn - QL45 đã phải gia hạn thêm thời gian mời thầu đến đầu tháng 10 tới đây, kéo theo phải lùi thời gian khởi công dự án cho đến khi lựa chọn được nhà thầu xây lắp. Với 5 dự án PPP, dự kiến sẽ mở thầu vào tháng 10 tới, song việc có lựa chọn được nhà đầu tư thuận lợi hay không vẫn là dấu hỏi lớn, do tỷ lệ nhà đầu tư tham gia không nhiều, cộng thêm những lo ngại huy động vốn vay.
Ông Lương Minh Phúc, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM nhận định: GPMB chậm do nguồn vốn và chính sách giá làm sao nhận được sự đồng thuận từ người dân. Hiện nay, giá đền bù giải tỏa mặt bằng thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của miếng đất trên thị trường. Để giải quyết tận gốc vấn đề, ngay từ khi đưa vào quy hoạch, nhà nước cần có chính sách phù hợp để thu hồi đất trước, sau đó bán lại cho các chủ đầu tư để thực hiện dự án. Như vậy, khi triển khai không mất nhiều thời gian GPMB và nhà nước cũng có thêm nguồn thu.
Bên cạnh đó, nút thắt mặt bằng vẫn là thách thức lớn trong trường hợp các dự án cao tốc này khởi công. Theo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT, 11 dự án đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 594/652 km, đạt hơn 91%. Tuy nhiên, với khối lượng còn lại, nếu các địa phương không tập trung quyết liệt, sẽ không thể cơ bản hoàn tất trong quý 3 năm nay. Khó khăn lớn nhất là việc xây dựng khu tái định cư đến nay mới đạt 44%, nhiều địa phương triển khai chậm như Nam Định (1 khu tái định cư chưa hoàn thành), Nghệ An (28 khu tái định cư chưa hoàn thành), Khánh Hòa (7 khu tái định cư chưa hoàn thành)…
Việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật mới đạt khoảng 9% khối lượng và không thể hoàn thành trong quý 3. Đáng nói, hàng loạt địa phương di dời hạ tầng kỹ thuật mới đạt dưới 50% khối lượng như: Ninh Thuận, Bình Thuận. Bộ GTVT vừa phải có công văn gửi UBND 13 tỉnh có dự án đi qua thúc giục đẩy nhanh tiến độ GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam, hoàn thành 10% khối lượng GPMB còn lại, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng phục vụ thi công các dự án trong tháng 9.
Không chỉ với 8 dự án sắp khởi công mặt bằng chưa hoàn tất, ngay cả 3 dự án cao tốc Bắc - Nam sử dụng vốn đầu tư công khởi công từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), công tác đền bù GPMB đến nay cũng chưa hoàn thành. Trong đó, dự án Cao Bồ - Mai Sơn vẫn còn vướng mắc khoảng 150 m trên tuyến chính.
Tương tự, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng đang bị chậm. Khu vực ưu tiên phục vụ giai đoạn 1 với diện tích 1.810 ha, dù đã hoàn thành thu hồi và bồi thường diện tích đất của Tổng công ty cao su Đồng Nai, song diện tích đất của các hộ gia đình, cá nhân mới đạt trên 630 hộ/1.007 hộ. Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng đã đánh giá tiến độ thực tế đang chậm so với kế hoạch, dù UBND tỉnh Đồng Nai vẫn cam kết bàn giao mặt bằng khu vực ưu tiên trong năm 2020 đúng tiến độ. Đồng Nai cũng cam kết hoàn thành giải ngân toàn bộ số vốn được giao trong năm 2020, nhưng 8 tháng năm nay, dự án mới giải ngân 1.376 tỉ đồng, lũy kế giải ngân là 2.513 tỉ đồng, mới đạt 13,82% kế hoạch được giao.

“Trên nóng, dưới lạnh”

Không chỉ các dự án sử dụng vốn ngân sách T.Ư mắc nghẽn vì mặt bằng, công tác bồi thường GPMB đã và đang trở thành “khối u nhọt” gây tắc nghẽn gần như hầu hết các dự án giao thông trên địa bàn TP.HCM. Bên cạnh nhiều nguyên nhân như khó khăn về giá đất, thủ tục pháp lý, có không ít trường hợp “trên nóng, dưới lạnh”, dự án cấp bách, lãnh đạo TP thúc giục nhưng dưới địa phương còn chây ì. Theo thống kê của Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM (gọi tắt là BQL), trong 75 dự án BQL đang quản lý, có 28 dự án đang đợi mặt bằng, 29 dự án đang thi công nhưng vẫn còn vướng mặt bằng, chiếm đến 75% tổng số dự án. Nếu tính tổng số lượng tất cả các dự án hiện nay, con số này phải lên tới hơn 80%. Điển hình như dự án mở rộng QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước đã gần 18 năm “án binh bất động”. Cũng vì nằm chờ, tổng mức đầu tư dự án này hiện đã lên tới 9.992 tỉ đồng, gấp hơn 100% so với vốn đầu tư dự kiến thực hiện năm 2002, trong đó, chi phí GPMB “đội” từ khoảng 2.500 tỉ đồng lên 8.176 tỉ đồng.
Ngay cả dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo TP, các quận, huyện liên tục hứa mốc thời gian bàn giao mặt bằng “sạch” cho chủ đầu tư, thì đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, những cam kết vẫn chỉ dừng lại ở cam kết. Dự án tiếp tục phải lùi tiến độ đến tháng 10 và chưa biết có thể về đích đúng hẹn không, vì vẫn phụ thuộc vào thời gian các bên giao nhận mặt bằng.
Ông Lương Minh Phúc, Trưởng BQL, cho biết: “Nghịch lý là có những dự án như mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, thời gian thi công rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, nhưng chờ công tác đền bù đến 1, 2 năm. Đây là những tồn tại có từ trước và không dễ để tìm ra cách giải quyết. Cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và xem đây là nhiệm vụ chính trị trong công tác sắp tới để đẩy nhanh tiến độ các công trình”.
Trước tình trạng này, đầu tháng 8, Sở GTVT TP.HCM đã phải kiến nghị UBND TP áp trách nhiệm trong GPMB đối với các công trình giao thông trên địa bàn TP. Cụ thể, trong quá trình đăng ký kế hoạch vốn cho công tác bồi thường GPMB, khởi công xây dựng công trình phải có văn bản cam kết về tiến độ thực hiện GPMB của lãnh đạo UBND quận, huyện. Đến nay, một số quận, huyện đã có chuyển biến như H.Nhà Bè, Hóc Môn, Q.2, Q.Bình Tân nhưng nhìn chung tiến độ triển khai vẫn rất chậm.
PGS-TS Chu Công Minh, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông hạ tầng, khơi thông vốn đầu tư công không chỉ tạo vốn mồi kích cầu, kích hoạt thị trường, mà còn tạo tiền đề rất lớn để thúc đẩy kinh tế phát triển sau đại dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.