Bán lẻ điện trực tiếp, giá điện có giảm?

Chí Hiếu
Chí Hiếu
04/06/2019 06:58 GMT+7

Đã có 30 khách hàng lớn xin tham gia thí điểm mua điện trực tiếp từ các nhà máy bán điện mà không phải qua Tập đoàn điện lực VN.

Sẽ đấu giá trực tiếp để bán lẻ 300 MW

Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), đưa ra tại buổi tọa đàm với các chuyên gia kinh tế hàng đầu VN về thị trường điện, được Tập đoàn điện lực VN (EVN) tổ chức cuối tuần qua. Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đặt ra hàng loạt câu hỏi cho Bộ Công thương và EVN về thị trường điện, giá điện... TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần đẩy nhanh thị trường bán lẻ điện, kết nối trực tiếp người cần mua điện với nhà máy phát điện mà không cần qua EVN trung gian để tránh tình trạng độc quyền.
 EVN sắp hết độc quyền về bán điện nhưng vẫn nắm giữ lưới điện truyền tải và phân phối Ảnh: Ngọc Thắng
EVN sắp hết độc quyền về bán điện nhưng vẫn nắm giữ lưới điện truyền tải và phân phối Ảnh: Ngọc Thắng
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Bộ Công thương đang thí điểm xây dựng cơ chế tự do hóa thị trường điện bán lẻ điện. “Đang có 30 khách hàng, là các hộ tiêu thụ điện lớn đăng ký sẽ thí điểm mua điện trực tiếp. Trong tháng 6 này, Bộ sẽ hội thảo cơ chế cho phép một số nhà máy năng lượng tái tạo tham gia đấu giá, bán trực tiếp cho các khách hàng này với sản lượng ban đầu khoảng 300 MW”, ông Tuấn nói, đồng thời khẳng định rằng hạ tầng điện đã sẵn sàng.
Chia sẻ thêm với Thanh Niên ngày 2.6, lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho hay, hiện Ngân hàng Thế giới và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ đang hỗ trợ về cơ chế đấu thầu, cách tính thuế, phí. "Tuy bán điện trực tiếp nhưng hệ thống truyền tải, phân phối vẫn phải thuê (của EVN) nên vướng là cơ chế tính phí, thuế. Sau khi hai tổ chức trên giúp hoàn thiện đề án thì Bộ sẽ lấy ý kiến và trình Thủ tướng quyết định", vị này cho hay.

Thí điểm để tập dượt, không phải để giảm giá

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho hay ông không nghĩ rằng việc đấu thầu cạnh tranh sẽ giúp người dân được hưởng giá điện thấp. “Tuy nhiên, nếu đấu thầu công khai, minh bạch, đúng quy trình thì sẽ phản ánh được các chi phí chính xác cấu thành trong giá, dù giá đó không rẻ hơn nhưng nó là giá hợp lý hoặc giá tối ưu nhất”, ông Long bày tỏ, đồng thời cho rằng, để đi đến đấu thầu thì cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra, giám sát các chi phí đầu vào, từ đó có thể định ra một mức giá sàn hoặc giá trần để không bị dìm giá hoặc đẩy lên quá cao.
Do lưới điện truyền tải và phân phối vẫn là doanh nghiệp nhà nước độc quyền nên dù nói “bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng” thì vẫn phải hòa lưới truyền tải, phân phối này nên giá điện cũng phải tính toán các chi phí truyền tải, phân phối
PGS-TS Ngô Trí Long
Tương tự, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng khẳng định sẽ không có chuyện giá giảm nếu chỉ đấu giá từ nguồn điện mặt trời. “Bởi vì giá điện tái tạo đang đắt. Chính phủ đã quy định giá bán của các nhà máy điện mặt trời hòa lưới trước 30.6.2019 là 9,35 cent/kWh thì không có lý do gì để các nhà máy nếu tham gia đấu mà bán dưới mức giá này”, ông Thiên nhìn nhận.
Bên cạnh đó, theo PGS-TS Ngô Trí Long, do lưới điện truyền tải và phân phối vẫn là doanh nghiệp nhà nước độc quyền nên dù nói “bán điện trực tiếp cho khách hàng sử dụng” thì vẫn phải hòa lưới truyền tải, phân phối này nên giá điện cũng phải tính toán các chi phí truyền tải, phân phối. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, không chỉ ở VN mà trên thế giới, lưới truyền tải thì đều do nhà nước độc quyền (thông qua doanh nghiệp nhà nước). “Điều đó là đúng bởi cứ thử hình dung, không thể có chuyện một dãy phố mà có tới hai hệ thống cột điện song song được. Nhưng đã độc quyền thì phải có giám sát độc quyền và kiểm soát bằng giá, thông qua kiểm soát các chi phí hợp lý”, ông Long nói thêm. Trả lời Thanh Niên hôm qua (3.6), ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, mục tiêu của thí điểm đấu giá cạnh tranh bán lẻ điện là để tập dượt, chuẩn bị cho những bước đi đầu tiên để tiến tới một thị trường bán lẻ điện cạnh tranh chứ không phải là để giảm giá. “Mục tiêu lớn nhất ở đây là để phản ánh đúng cung - cầu điện và đúng giá thị trường thôi. Ví dụ, anh phải "đi chợ" thì mới biết giá lên hay xuống. Nếu mai anh ra chợ mà trời nắng, nhu cầu tiêu dùng điện lên trong khi cung khó thì giá lên. Nói đấu giá phản ánh bức tranh cung - cầu và đúng giá thị trường là ở chỗ đó”, ông Tuấn giải thích.

"EVN cũng muốn có thị trường sớm”

Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, cho hay hiện nay nhiều ý kiến chỉ trích EVN về việc độc quyền, song thực chất chưa hẳn vậy. Ông Thành dẫn chứng, trong cơ cấu nguồn điện, EVN chỉ chiếm hơn 59%, nhưng trong số này thì cũng có tới 20% EVN mua lại của các công ty hạch toán độc lập, trong đó có đơn vị đã cổ phần. Do đó, ông Thành lo ngại rằng việc giao cho EVN trách nhiệm đảm bảo đủ điện trong bối cảnh nguồn chỉ chiếm 59% là rất khó. “Như với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, EVN thực hiện được 100%, đưa 1.200 MW vào đúng tiến độ. Nhưng mỗi năm cần đến 4.000 - 5.000 MW mà hầu hết các dự án bên ngoài như 3 dự án của tập đoàn dầu khí đều chậm tiến độ. Các dự án BOT như Vũng Áng 2, Duyên Hải 2 cũng chưa khởi công và từ nay đến 2021 không thể vận hành. Nên thật sự rất khó”, ông Thành nói.
Tương tự, ông Thành cho rằng việc độc quyền trong lưới điện cũng là... tự nhiên, khi nhà nước yêu cầu EVN tiếp nhận lại lưới điện nông thôn đã rệu rã. “Khi đó, như tại đồng bằng sông Cửu Long, EVN chi tới 6.000 tỉ đồng để nâng cấp thì mới đảm bảo được dân mua điện trực tiếp với ngành điện, nhưng mỗi năm chúng tôi cũng chỉ được phép tính 20% cho khoản đầu tư này vào giá điện. Cho nên, EVN cũng không muốn độc quyền thế này. Thật sự chúng tôi rất muốn có thị trường sớm”, ông Thành nói và cho biết thêm, đề án tách bạch về tổ chức khâu bán lẻ điện sẽ được EVN trình Bộ Công thương phê duyệt trong tháng 7 tới.
Cùng với đó, EVN sẽ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thị trường điện, hoàn thành dự thảo các quy định pháp lý trình Bộ Công thương ban hành để đẩy nhanh tiến độ triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, tách các đơn vị bán lẻ để tiến hành cổ phần hóa theo lộ trình mà Thủ tướng đã yêu cầu. EVN phải tiến hành cổ phần hóa 3 tổng công ty phát điện, chuyển Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia hạch toán độc lập và cổ phần hóa khâu dịch vụ bán lẻ để thực hiện thị trường điện bán lẻ từ 2021. 
Ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN:
“Hiện nay, EVN đã hoàn thành việc thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty phát điện 3, đã duyệt kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty phát điện 2 và đang trình Thủ tướng kế hoạch cổ phần hóa Tổng công ty phát điện 1. Dự kiến trong năm 2019 - 2020 sẽ hoàn thành thủ tục cổ phần hóa các tổng công ty phát điện 1 và 2. Sau 2 năm hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, EVN sẽ lập phương án thoái toàn bộ vốn tại các tổng công ty phát điện để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.