Khoảng 80 km dòng sông Mã chảy qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy (Thanh Hóa) bị ô nhiễm hơn 1 tháng qua, khiến cuộc sống của hàng ngàn người dân nuôi cá và sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên sông điêu đứng.
Có lẽ chưa bao giờ sông Mã bị ô nhiễm nghiêm trọng đến vậy, khi hơn 1 tháng qua (từ ngày 15.3), đoạn chảy qua các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy nước đổi màu đen và bốc mùi hôi tanh bất thường. Ô nhiễm dai dẳng khiến gần 60 tấn cá lồng chết. Các loài thủy sản tự nhiên khác trên sông cũng chết, không thể đo đếm được. Nước sông ô nhiễm còn khiến Nhà máy nước sạch TT.Phong Sơn (H.Cẩm Thủy) phải ngừng hoạt động, ngừng cấp nước sạch cho người dân 3 ngày liền (hoạt động trở lại từ ngày 19.4).
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ở nhiều xóm chài, điểm nuôi cá lồng của người dân H.Bá Thước và H.Cẩm Thủy, nhiều người dân kiệt quệ, bất lực và tuyệt vọng khi phải chứng kiến cá trong lồng lần lượt chết mà không có cách nào cứu vãn. Ở các làng chài, kế sinh nhai của họ cũng bị cướp mất, vì không chỉ tôm, cá mà ngay cả con hến trên sông cũng chết la liệt, bốc mùi hôi thối dưới đáy sông; nhưng việc đền bù thiệt hại vẫn còn "lơ lửng".
|
Điểm mặt các doanh nghiệp đầu độc sông Mã
Đầu tháng 4, UBND H.Bá Thước và UBND H.Quan Hóa (ô nhiễm xảy ra ở huyện Bá Thước và Cẩm Thủy; nhưng Quan Hóa là huyện đầu nguồn sông Mã, phía trên huyện Bá Thước và có nhiều cơ sở chế biến lâm sản) quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra tất cả các doanh nghiệp sản xuất đũa, giấy ven sông Mã. Và ngay lập tức, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt cơ sở chế biến lâm sản đầu độc dòng sông Mã.
H.Bá Thước và H.Quan Hóa kiểm tra, phát hiện nhiều doanh nghiệp có đường ống ngầm xả thải ra sông Mã, có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã, thì ở H.Bá Thước có Công ty CP sản xuất thương mại Đông Tâm TH, Công ty TNHH Tân Thái Thanh, Công ty CP chế biến lâm sản Phú Thành; ở H.Quan Hóa có Công ty TNHH thương mại vận tải Hoàng Vân, Công ty chế biến lâm sản Bảo Yến, Công ty TNHH đầu tư và phát triển Hạnh Nguyễn, HTX chế biến lâm sản Xuân Dương, HTX Hà Long, HTX Hợp Phát.
|
Theo tìm hiểu của PV, các loại hóa chất (xút, lưu huỳnh...) dùng để ngâm ủ bột giấy, sử dụng vào các công đoạn làm giấy đều rất độc. Khi sử dụng các loại hóa chất này để sản xuất, nước thải chưa qua xử lý mà thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng. Nhưng vì lợi ích riêng của mình, các doanh nghiệp đã bất chấp sự sống của dòng sông, cuộc sống của người dân, tìm mọi cách để xả thải.
Trả lời Thanh Niên, ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND H.Quan Hóa, thừa nhận còn rất nhiều bất cập, thiếu sót chưa được làm nghiêm đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy, vàng mã ven sông Mã. Ông Tự cho biết H.Quan Hóa có 9 doanh nghiệp sản xuất giấy, vàng mã ven sông Mã, thì hiện tại chỉ có 2 doanh nghiệp đã được nghiệm thu, hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), còn 7 doanh nghiệp chưa được nghiệm thu nhưng vẫn hoạt động lâu nay. Ngoài ra, cũng còn 2/9 doanh nghiệp chưa được phê duyệt giao đất, dù tất cả đều hoạt động bấy lâu nay. “Đúng là để cho các doanh nghiệp còn chưa hoàn thành các điều kiện về bảo vệ môi trường, hồ sơ thủ tục thuê đất mà vẫn hoạt động sản xuất là sai, nhưng nó là tồn tại của trước đây, nên họ vẫn hoạt động”, ông Tự cho hay.
Tỉnh kiểm tra không thấy, huyện tìm ra hàng loạt “hung thủ”
Để làm rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm khi để sông Mã bị ô nhiễm, PV đã liên hệ với Sở TN-MT Thanh Hóa. Tuy nhiên, khi trả lời (gửi qua email), Sở TN-MT Thanh Hóa không trả lời thẳng vào câu hỏi liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước về môi trường, mà chỉ kể về việc đã phối hợp với các đơn vị để kiểm tra khi sông Mã bị ô nhiễm.
Sở TN-MT Thanh Hóa cho rằng đơn vị này hằng năm vẫn tổ chức kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với các đơn vị sản xuất giấy, vàng mã trên địa bàn H.Bá Thước và H.Quan Hóa, có phát hiện và xử phạt hoặc kiến nghị xử phạt hành chính nhiều đơn vị vi phạm. Sở TN-MT Thanh Hóa cũng cho rằng: “Việc phát hiện các cơ sở có hành vi lắp đặt đường ống ngầm, xả thải trái phép rất khó khăn, do các cơ sở đều được thông báo kế hoạch kiểm tra theo quy định, nên thường chủ động có biện pháp đối phó… Hành vi xả thải của các cơ sở đều có tính chất tinh vi, xả thải bí mật vào ban đêm, hoặc khi trời mưa nên quá trình kiểm tra khó phát hiện” (!?).
Không hiểu cái “rất khó khăn” của Sở TN-MT Thanh Hóa là gì, vì đơn vị này có đủ nhân lực, vật lực và chuyên môn để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. Còn thực tế, để chứng minh doanh nghiệp có chôn đường ống ngầm để xả thải trái phép hay không, thì không đến mức “khó khăn” và “tinh vi” như trả lời của Sở TN-MT Thanh Hóa. Điều đó được chứng minh cụ thể bằng kết quả kiểm tra của H.Bá Thước và H.Quan Hóa như trên, khi các huyện này chỉ mất vài ngày để tìm ra hàng loạt ống ngầm, và chứng minh được doanh nghiệp có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã.
Thêm một điểm “lạ” nữa là chỉ 2 ngày trước khi thủy sản trên sông Mã chết hàng loạt (bắt đầu từ ngày 15.3), Sở TN-MT Thanh Hóa có tổ chức đi kiểm tra 4 doanh nghiệp trên địa bàn H.Bá Thước, thế nhưng kết quả kiểm tra không phát hiện đơn vị nào chôn ống ngầm, hoặc có hành vi xả thải trái phép ra sông Mã. Nhưng sau đó, 3 trong số 4 doanh nghiệp mà Sở TN-MT Thanh Hóa kiểm tra không phát hiện ống ngầm, thì đoàn kiểm tra của H.Bá Thước lại phát hiện ra, chứng minh được doanh nghiệp xả thải trái phép ra sông Mã. Đáng nói hơn, các ống ngầm đều đã được doanh nghiệp chôn từ nhiều năm trước, chứ không phải mới chôn.
Bình luận (0)