Bất ổn móng chung cư nghiêng 45 cm

28/01/2019 07:33 GMT+7

Thông tin mới nhất cho biết lô E, chung cư 518 Võ Văn Kiệt (Q.1, TP.HCM) bị nghiêng 45 cm có nền móng chỉ sâu 2 m.

Móng chỉ sâu 2 m

[VIDEO] Thức trắng đêm di dời khỏi chung cư nghiêng 45cm
Theo ông Đoàn Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), ngoài nền móng chỉ sâu 2 m, móng chung cư 518 Võ Văn Kiệt không đóng cọc nhồi mà chỉ đóng cừ tràm nên khi sụt lún mức độ nguy hiểm càng cao. Do đó, các cơ quan chức năng phải di dời người dân ngay trong vòng 24 giờ.
Việc di dời này rất nguy hiểm, khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào bởi nền móng như vậy không thể chống đỡ cho 5 tầng chung cư có tải trọng hàng nghìn tấn. Theo quan điểm của riêng ông Hải, với nền móng này thì không thể nào gia cố được, UBND Q.1 đang xin ý kiến UBND TP để mời gọi ngay nhà đầu tư vào xây mới chung cư để người dân sớm trở về ổn định cuộc sống.
Toàn bộ tòa chung cư đã bị phong tỏa để đảm bảo tính mạng người dân Ảnh: Ngọc Dương
Toàn bộ tòa chung cư đã bị phong tỏa để đảm bảo tính mạng người dân Ảnh: Ngọc Dương
KTS Nguyễn Văn Tuấn nhận xét, chung cư này xây dựng năm 1996, hoàn thành năm 1999, như vậy mới vận hành được 20 năm cho một chung cư chỉ 5 tầng mà đã lún, nghiêng là điều không thể chấp nhận được. Ông Tuấn khẳng định cừ tràm đối với công trình 5 tầng là đủ khả năng chịu lực, nếu làm đúng. Tại TP.HCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước có hàng ngàn công trình có tuổi đời tương đương cũng dùng cừ tràm chịu lực cho nền móng nhưng hiếm khi xảy ra tình trạng lệch, lún.

Bị ăn bớt vật liệu?

Chung cư này bị nghiêng, lún đến 45 cm có thể do công trình bị ăn bớt vật liệu cừ tràm hoặc do sai về thiết kế kỹ thuật thi công phần móng. Theo quy chuẩn xây dựng, chung cư cao khoảng 20 m chỉ được lệch, nghiêng tối đa 2 cm. Trong khi chung cư này nghiêng đến 45 cm là cực kỳ nguy hiểm, TP di dời người dân ngay lập tức là hợp lý. Để đảm bảo an toàn cần phải có giải pháp tháo dỡ hoặc gia cố công trình ngay, bởi nếu không tòa nhà sập, đổ là rất nguy hiểm cho các công trình và người dân xung quanh”, ông Tuấn nói.
Có thể khi tính kết cấu, tòa nhà này chưa tính hết phần tải trọng của cả người dân khi vào ở, đồ đạc trong các căn hộ nên lún. Bên nào tải trọng nặng quá thì lún về bên đó. Nhiều công trình do công ty nhà nước làm trước đây như các chung cư Bình Phú, Bình Hưng... cũng lún, nứt nhiều. Công trình này có thể gia cường móng, kích ngay lại được, không cần phải đập bỏ nếu nền đất, địa chất tốt và độ nghiêng an toàn.
“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư
Nói sâu về chuyên môn, ông Nguyễn Văn Đực, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng hội Xây dựng VN, phân tích: Miền Nam có cừ tràm, miền Bắc có tre, đều là những nguyên liệu phù hợp với đặc tính về đất và trình độ xây dựng của từng vùng miền. Về mặt lý thuyết, chưa có một nghiên cứu, một tiêu chuẩn xây dựng chính thức nào về việc sử dụng các loại cây trên làm móng. Nhưng hàng trăm năm qua từ Hà Nội đến TP.HCM, có rất nhiều công trình trường học, bệnh viện, cơ quan, chung cư, khách sạn... sử dụng cừ tràm, cừ tre làm móng và tồn tại cho tới tận bây giờ. Tuy cừ tràm, cừ tre có độ lún lớn hơn bê tông, nhưng những loại cây này có đặc tính không mục trong môi trường ẩm nước nên tuổi thọ trung bình của các chung cư 5 tầng hoặc cao tầng có móng làm từ cừ tràm, cừ tre là khoảng 50 - 100 năm. Ở nước ngoài, trước khi phát minh ra kỹ thuật ép bê tông, họ cũng sử dụng gỗ, đóng làm móng.

Thi công ăn gian?

Ông Nguyễn Văn Đực đưa 2 giả thuyết. Thứ nhất, có thể do thiết kế tính diện tích móng không phù hợp. Thiết kế cấu tạo dùng lớp cát phủ đầu cừ tràm, sử dụng bê tông lót đá 46 xếp với nhau rồi dùng vữa, xi măng đắp lên sơ sài.
Lâu năm lớp cát trôi đi, cộng với lực nước thủy văn thay đổi nên cát hoặc lớp lót đá bê tông dễ bị dịch chuyển, khiến công trình nhanh chóng bị sụt lún. Để kiểm tra, có thể dễ dàng rà soát lại từ bản vẽ thiết kế ban đầu.
Thứ hai là lỗi do đơn vị thi công, bởi đóng móng cừ tràm từ 2 m là không đúng quy định. Trong ngành xây dựng từ hàng trăm năm nay, cừ tràm được sử dụng để làm móng cho các công trình phải dài khoảng 5 m để chuyển lực từ đáy móng xuống sâu dưới lòng đất, đủ sức chống đỡ cho toàn công trình. Móng cừ tràm ở đây chỉ 2 m, có thể đơn vị thi công đã ăn bớt cừ tràm.
“Muốn biết rõ nguyên nhân phải đào móng lên, kiểm định hiện trường. Tuy nhiên khu chung cư này có 5 lô, nếu thiết kế sai thì ít nhất cũng phải có 2 - 4 lô bị ảnh hưởng. Đằng này chỉ có duy nhất 1 lô E bị nghiêng, lệch nên nguy cơ cao là do lỗi thi công, vì 5 lô tuy cùng 1 nhà thầu nhưng sẽ phải do 5 đội thi công khác nhau. Có thể 1 trong 5 đội này đã sử dụng “thủ thuật”, thi công không đúng theo quy định”, ông Đực nêu quan điểm và dẫn chứng trước đây đã có khoảng 5 - 7 công trình bị nghiêng như lô 4 - 6 cư xá Thanh Đa những năm 1992 - 1993 cũng đã xảy ra lún nghiêng khoảng 45 cm, sau khi cơ quan chức năng đào kiểm tra móng đã kết luận nguyên nhân do nhà thầu thi công ăn gian.
KTS Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM, cũng cho rằng nguyên nhân khiến lô chung cư 518 Võ Văn Kiệt bị nghiêng, lún khả năng cao do sai sót trong công tác thi công hoặc việc thay đổi bất thường về thổ nhưỡng trong quá trình thi công nhưng lại không được kịp thời kiểm soát. Cũng theo ông Mười, phương pháp dùng cừ tràm, cừ tre làm móng được sử dụng trong rất nhiều công trình cao tầng từ cách đây nhiều năm, nhưng chỉ có hiệu quả tốt ở vùng đất có nước ngầm. Theo thời gian, thổ nhưỡng thay đổi có thể khiến đất thiếu nước, cừ tràm bị mục, gây lụt, nghiêng công trình. Do đó ngày nay, các loại cây này thường được thay thế bằng bê tông, ép cọc để làm móng.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thông tin thêm lô chung cư này được xây dựng một phần trên con rạch nên có thể phần móng không đảm bảo chất lượng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.