Bất thường giá vàng trong nước

01/03/2021 06:30 GMT+7

Vàng miếng SJC cao hơn thế giới mức kỷ lục gần 8 triệu đồng mỗi lượng, tương đương 17% dù thị trường không có giao dịch.

Đắt hơn 8 triệu đồng/lượng

Đắt hơn giá vàng thế giới gần 8 triệu đồng là mức chênh lệch kỷ lục mà vàng SJC đang xác lập hiện nay. Cách đây 1 tuần khi thị trường nhộn nhịp mua bán ngày vía Thần tài (mùng 10 Tết Nguyên đán), giá vàng miếng SJC cũng chỉ cao hơn giá thế giới hơn 6,6 triệu đồng/lượng, dao động quanh mức 56,3 - 56,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào ở mức 55,5 - 55,6 triệu đồng/lượng. Cùng thời điểm, giá vàng thế giới ở mức 1.785 USD/ounce nhưng cuối tuần qua bị “thổi bay” 50 USD/ounce, còn 1.735 USD/ounce. Thế nhưng giá vàng miếng SJC ngày 28.2 vẫn ở mức cao, 56,1 - 56,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra và mua vào 55,5 - 55,6 triệu đồng/lượng. Điều này hoàn toàn vô lý khi mãi lực thị trường khá thấp.
Điểm bất thường hơn là vàng thế giới hiện nay đã giảm về mức giá hồi tháng 6.2020 ở 1.735 USD/ounce sau khi tăng lên mức kỷ lục 2.073 USD/ounce. Thế nhưng giá vàng miếng SJC thời điểm tháng 6.2020 chỉ ở mức 48,4 - 48,8 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) nhưng nay đã lên tới gần 56 triệu đồng/lượng. Như vậy, giá vàng SJC hiện đang cao hơn 7,3 triệu đồng/lượng so với thời điểm tháng 6.2020 và cao hơn vàng thế giới gần 8 triệu đồng/lượng như nói trên.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tác động đến tỷ giá USD/VND của VN nói chung vì đồng USD vẫn có sự liên thông với thị trường vàng. Do đó, cần phải có cơ chế kiểm soát tạo sự đồng nhịp hơn về thị trường vàng để tránh những hệ lụy đó.   

TS Đinh Thế Hiển

Ông Phan Dũng Khánh, giảng viên tài chính Trường Doanh nhân Bizlight, phân tích ai cũng biết giá vàng trong nước luôn đi theo giá thế giới, nhưng tùy theo cung - cầu và cả việc cân đối của người bán nên mức độ tăng, giảm nhiều hay ít và ở mỗi thời điểm sẽ khác nhau. Trong thực tế đã có nhiều thời điểm giá vàng trong nước thấp hơn giá thế giới dù điều này không phải thường xuyên. Nhưng kể từ ngày vía Thần tài đến nay, các công ty vàng trong nước luôn neo giá cao hơn rất nhiều so với giá thế giới cho thấy có khả năng nguồn mua vào trước đó của họ có thể ở mức cao nên người bán vẫn muốn găm giữ giá cao.
Với việc neo giá cao này, rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư là cực lớn. Bởi khi họ vừa mua xong đã lỗ vì chênh lệch giữa giá mua với giá bán cũng được các công ty vàng nới rộng ra. Đồng thời nếu giá vàng trong nước quá cao, đến lúc được điều chỉnh về ngang bằng giá thế giới thì người mua sẽ càng lỗ nặng. Hiện nay giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm do các kênh đầu tư mạo hiểm thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư như chứng khoán, tiền kỹ thuật số... nên khả năng giá vàng trong nước sẽ tiếp tục đi xuống là rất cao.

Mất cân đối cung - cầu

Đặt vấn đề các đơn vị kinh doanh vàng đang làm giá giữ vàng SJC ở mức cao, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng lượng vàng trong dân hiện nay rất lớn, câu chuyện huy động 500 tấn vàng - tương đương 10 tỉ USD - trong dân cũng đã được đưa ra bàn, gần đây nhất là năm 2017. Chỉ cần một lượng vàng này được bán ra trên thị trường, giá sẽ rớt ngay. Tuy nhiên, dù giá vàng cao nhưng đa số người dân có tâm lý bán rồi không mua được giá thấp nên vẫn cố giữ.
“Từ trước tết đến nay, thị trường vàng trong nước đã không thể liên thông giá với thế giới khi nguồn cung trên thị trường không mấy dồi dào. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng giá vàng trong nước “đứng một mình một chợ” dù giá kim loại quý thế giới xuống rất sâu. Bên cạnh đó, nguồn cung vàng nguyên liệu cũng không mấy nhiều khi các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gia tăng, hạn chế đi lại. Điều này thể hiện rõ nét qua chênh lệch giá vàng nữ trang. Trước đây giá vàng nữ trang bám sát giá thế giới nhưng nay cũng cao hơn 3 - 4 triệu đồng/lượng”, ông Khánh nói.
Trưởng phòng kinh doanh vàng một ngân hàng cổ phần lớn cũng cho rằng, sở dĩ người có vàng không chịu bán do trước đó mua vào với giá cao nên giữ chờ giá tăng lại, có người còn chờ giá xuống thấp nữa để mua vào cân bằng giá. Trong khi các đơn vị kinh doanh vàng thường mua bán vàng theo xu hướng cân đối, mua đầu này bán đầu kia chứ không dám ôm hàng, sợ giá thế giới biến động mạnh sẽ lỗ.
Theo ông Huỳnh Trung Khánh, cuối năm 2020, khi giá vàng SJC cao hơn quốc tế 4 - 5 triệu đồng/lượng, Hiệp hội Kinh doanh vàng VN đã có công văn kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước về việc sản xuất thêm một lượng vàng miếng để cung ứng ra thị trường nhằm cân bằng cung - cầu, tránh xảy ra hiện tượng sốt giá vàng hoặc chênh lệch giá trong nước quá cao như hiện nay. Đồng thời cho phép một số đơn vị được nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.
Điều ông Khánh lo ngại nhất khi chênh lệch giá vàng gia tăng là hiện tượng đồng USD “chợ đen” cứ đẩy giá lên cao (chiều 28.2, giá bán lên 23.990 đồng/USD, mua vào 23.910 đồng/USD - PV). Hiện tượng “ăn theo” của giá USD về lâu dài không tốt cho việc thu hút nguồn ngoại tệ mua vào của các ngân hàng thương mại. Dù rằng việc bán USD trên thị trường chợ đen là vi phạm pháp luật nhưng với mức giá cao hơn ngân hàng đến gần 1.000 đồng/USD, người có USD sẽ cân nhắc bán ở đâu.
Đồng quan điểm, TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng, cho rằng mức chênh lệch gần 8 triệu đồng/lượng là không hợp lý. Hệ lụy là tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng mạnh và có thể diễn ra hiện tượng buôn lậu vàng, chảy máu ngoại tệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.