Một điểm rất quan trọng, theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, năm nay là năm thứ 7, số thu nội địa (trừ đất, xổ số, cổ tức, chênh lệch thu chi ngân hàng, dầu thô) đã đạt 953.000 tỉ đồng so với dự toán được giao là 945.000 tỉ đồng. Đây là phần lõi thu từ sản xuất, kinh doanh.
“Chúng ta bắt đầu có của ăn, của để nhưng không chủ quan trong năm 2020”, ông Dũng nói, song cũng thẳng thắn nhìn nhận tổng số nợ đọng thuế đến 31.12.2019 vẫn cao, ở mức 80.830 tỉ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Năm qua, theo ông Dũng, vẫn còn công chức thuế vi phạm pháp luật, ngay tại cơ quan Tổng cục Thuế cũng như một số nơi đến mức phải xử lý. “Chúng ta phải hạn chế tối đa tình trạng “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Ngành thuế đạt được nhiều thành tích nhưng những việc như thế này sẽ phá hỏng tất cả”, người đứng đầu Bộ Tài chính lưu ý.
Ông nhắc thêm: “Tết Nguyên đán năm nay, công chức, viên chức toàn ngành phải nghiêm túc chấp hành các chỉ đạo, giải pháp, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng... Tránh tình trạng đi lễ hội, dùng xe ô tô công đưa đón, rồi rượu bia đi ra đường. Phạt giao thông bây giờ nặng lắm đấy. Phải nghiêm túc chấp hành khi mình là đảng viên, công chức, viên chức”.
|
Về kỷ cương, kỷ luật quản lý thuế, chống nợ đọng thuế, Bộ trưởng Dũng nói ông đã ra chỉ thị và gửi thư cho các bí thư, chủ tịch tỉnh về việc rà soát, điều chỉnh thuế khoán từng địa bàn.
“Thuế khoán, ai cũng nói thất thoát, cưa đôi, cưa ba và chúng ta phải mạnh dạn vấn đề này. Cưa đôi, cưa ba cũng chả phải chỉ cán bộ thuế đâu. Nhưng với nhiệm vụ được giao thì thuế nên tính toán nâng mức khoán đi. Vì như vậy thì người ta sẽ không chấp nhận cưa đôi, cưa ba nữa. Điều đó cũng góp phần công khai, minh bạch”, ông Dũng nhắc nhở.
Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế phải tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá theo phương pháp phân tích rủi ro. Đặc biệt, có biện pháp chống thất thu ngân sách nhà nước có hiệu quả đối với các hộ kinh doanh lớn, dịch vụ ăn uống, khách sạn, nhà hàng, hoạt động chuyển nhượng vốn và các loại hình kinh doanh mới như hoạt động giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh phi chính thức…
Cơ quan thuế phải thực hiện có hiệu quả các giải pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước, đảm bảo đến cuối năm 2020, số nợ thuế tối đa không quá 5% trên tổng thu ngân sách nhà nước.
Bình luận (0)