Các nền kinh tế khốn khổ nhất thế giới

Thu Thảo
Thu Thảo
16/02/2018 22:09 GMT+7

Bloomberg vừa công bố Chỉ số Khốn khổ Bloomberg Misery Index cho năm nay. Đây là chỉ báo tổng hợp cả triển vọng lạm phát và thất nghiệp của 66 nền kinh tế.

Theo đó, Venezuela là nước khổ sở nhất thế giới năm thứ tư liên tiếp với điểm số cao hơn gấp ba lần so với hồi năm 2017. Các nền kinh tế khổ sở chỉ sau Venezuela là Ai Cập, Argentina, Nam Phi, Ukraine, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Brazil đồng hạng với Serbia, và Ả Rập Xê Út.
Thái Lan một lần nữa là nền kinh tế ít khốn khổ nhất thế giới, dù nước này có cách tính tỷ lệ thất nghiệp khá đặc biệt. Đứng sau Thái Lan lần lượt là Singapore, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Iceland, vùng lãnh thổ Đài Loan, Israel, Đan Mạch và Hồng Kông (Trung Quốc) đồng hạng, cuối cùng là Trung Quốc.
Kinh tế Mexico khá hơn trong năm nay khi cải thiện được vấn đề lạm phát. Nước này hạ 16 bậc trong bảng xếp hạng khổ sở. Trong khi đó, Romania thì khổ sở hơn vì lý do ngược lại. Các nhà kinh tế dự báo Romania lạm phát 3,3% năm nay, và nước này đứng hạng 34 trong chỉ số khổ sở.
10 nền kinh tế khốn khổ nhất thế giới năm 2018 Ảnh: Bloomberg
Chỉ số Khốn khổ của Bloomberg dựa vào khái niệm lâu đời cho rằng lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhìn chung sẽ cho thấy cảm giác của người dân về sức khỏe của nền kinh tế. Đôi khi, việc một trong hai chỉ số thấp cũng gây hiểu nhầm: giá cả thấp liên tục có thể là dấu hiệu của nhu cầu kém, và tỷ lệ thất nghiệp thấp khiến người lao động muốn chuyển công việc gặp khó khăn hơn.
Bloomberg cho hay kết quả của Chỉ số Khốn khổ năm nay cho thấy triển vọng kinh tế toàn cầu nhìn chung còn tươi sáng. Các nhà kinh tế cho rằng thế giới tăng trưởng 3,7% trong năm 2018, tương đương với tốc độ tăng trưởng năm ngoái và là mức tốt nhất từ năm 2011.
Tại Venezuela, tình hình siêu lạm phát khiến nhiều nhà kinh tế gặp khó trong việc tính toán tốc độ tăng trưởng thực tế. Tỷ giá tiền tệ thị trường chợ đen ngày càng tăng, trong khi nhiều biện pháp thay thế khác thì đẩy cao giá cả hằng ngày. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng Venezuela lạm phát 1.864% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo lạm phát ở Venezuela đạt 13.000% năm nay sau khi đạt 2.400% năm ngoái.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới, có chỉ số khổ sở tăng từ 5,5 điểm năm ngoái lên 6,5 điểm năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 2,3% năm nay so với mức 1,6% năm 2017. Nền kinh tế số một thế giới là Mỹ thì cải thiện lên 6,2 điểm nhờ lạm phát tăng và thị trường lao động liên tiếp thắt chặt.
Các nước châu Á may mắn không lọt vào top 10 khổ sở nhất trong năm nay, trong khi các nước có tình hình địa chính trị phức tạp ở châu Âu, Mỹ Latin, châu Phi thì đều có mặt trong top 10 khổ sở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.