Tiền mới của Zimbabwe gợi nhắc cảnh lạm phát 500 tỉ %

23/10/2016 08:48 GMT+7

Động thái thử quay lại nội tệ riêng của chính quyền Zimbabwe đang vấp phải sự phản đối lớn của dân nước này, những “tỉ phú” bất đắc dĩ e sợ cảnh lạm phát 500 tỉ phần trăm cách đây bảy năm tái xuất.

Theo Bloomberg, quốc gia Nam Phi sẽ sớm giới thiệu tờ bạc trái phiếu mới với giá trị chốt ngang với đô la Mỹ, bắt đầu bằng những tờ có mệnh giá từ 2 USD đến 5 USD, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Zimbabwe John Mangudya nói hôm 19.10. Đây là nỗ lực bù đắp việc sử dụng nhiều loại ngoại tệ, vốn đã và đang khan hiếm vì xuất khẩu lao dốc, tại nền kinh tế khốn khó từ năm 2009.
James Sakupwanya, người bán các mặt hàng như bột ngô, thực phẩm đóng hộp và chăn từ cửa hàng của ông ở Mutare, đông nam Harare (Zimbabwe) sẽ không lấy tiền mới. Sakupwanya và những “tỉ phú” Zimbabwe khác như ông xem tờ bạc mới là bước đi lùi trở lại với đồng đô la Zimbabwe bị chán ghét. Đồng tiền cũ ở thời điểm bị xóa bỏ được định giá ở mức 150.000 tỉ đô la Zimbabwe tương đương 1 USD.
“Chúng tôi sẽ từ chối nó. Họ có thể lập pháp tùy mức họ muốn, nhưng chính đồng tiền này là thứ họ muốn áp đặt lên chúng tôi để quản lý cuộc khủng hoảng mà họ đã gây ra”, ông Sakupwanya nói.
Trước đó, thông báo về việc phát hành tiền mới gây náo loạn ở Harare dù chính phủ cho hay tiền sẽ chỉ hợp pháp ở Zimbabwe và được hỗ trợ bởi khoản vay 200 triệu USD từ một ngân hàng đa phương. Các nhà băng Zimbabwe hạn chế lượng tiền mặt rút ra để ngăn chặn việc tích trữ USD, vốn được sử dụng trong 95% giao dịch trên cả nước, trong khi một số cửa hàng cho biết họ đang dần cạn các mặt hàng thiết yếu.
Zimbabwe đã và đang rơi vào cuộc khủng hoảng thanh khoản, chính phủ bị buộc phải trả lương trễ cho người lao động vào những tháng gần đây. Hôm 9.9, Bộ trưởng Tài chính Patrick Chinamasa cho biết Zimbabwe có thể cắt giảm 25.000 việc làm dịch vụ dân sự vì chật vật trong chuyện trả lương. Zimbabwe nợ nhiều tổ chức quốc tế, gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (ADB), khoảng 9 tỉ USD. Họ còn trễ đợt thanh toán 1,8 tỉ USD hồi tháng 6.
Ngoài USD, dân Zimbabwe cũng dùng tám loại tiền tệ khác, trong đó có đồng rand Nam Phi, euro, bảng Anh và nhân dân tệ. Buộc người nước này chấp nhận tờ bạc trái phiếu mới là khó khăn vì ký ức về đồng tiền vô giá trị vẫn chưa phai nhạt.
Theo chuyên gia kinh tế Naome Chakanya thuộc Viện Nghiên cứu Lao động và Kinh tế, tiền mới không giải quyết những thách thức cấu trúc mà kinh tế Zimbabwe phải đối mặt. Hiện có khoảng 3 triệu trong số 13 triệu người Zimbabwe sống ở nước ngoài sau khi chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc (UN). Việc làm ngành sản xuất giảm từ 200.000 năm 2009 xuống còn 85.000 hiện tại. 4.600 doanh nghiệp phải đóng cửa trong ba năm qua, theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương Zimbabwe.
Ông Sakupwanya thì cho rằng nếu không có nền tảng tiền mặt vững chắc, các trái phiếu mới sẽ không khác gì thứ gọi là séc đổi thành tiền, đồng tiền tạm thời với mệnh giá lên đến 100.000 tỉ đô la Zimbabwe từng được giới thiệu giữa đỉnh siêu lạm phát năm 2008.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.