Cam kết lợi nhuận đầu tư condotel 8-12%/năm là không tưởng

Lê Quân
Lê Quân
04/08/2018 21:48 GMT+7

Đây là ý kiến của các chuyên gia bất động sản nêu ra tại Diễn đàn Bất động sản Du lịch biển Việt Nam 2018 do Tạp chí Nhà quản trị (theleader.vn) tổ chức ngày 4.8.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết trong 2 năm trở lại đây, bất động sản du lịch đang nổi lên là một lĩnh vực kinh doanh mới, hiệu quả tại Việt Nam. Bất động sản du lịch không chỉ phát triển ở 28 tỉnh thành có biển, mà còn ở cả những địa phương không có biển.
Thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng, từ năm 2015 đến nay, Bộ này đã thẩm định sơ bộ 25.000 căn condotel, officetel, chưa kể hàng chục ngàn căn do địa phương thẩm định, tập trung tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh ven biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hạ Long, Nha Trang...
Theo quy hoạch, đến năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút 58 triệu lượt khách du lịch nên cơ hội để tham gia vào du lịch biển đang còn nhiều tiềm năng.
Sự bùng nổ khách du lịch quốc tế và nội địa đang trở thành ngòi nổ kích thích các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực bất động sản ở các vùng du lịch trọng điểm dọc theo bờ biển Việt Nam, đặc biệt là ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Bình Đình... Condotel chiếm lĩnh thị trường nguồn cung bất động sản với 81% tổng nguồn cung các loại sản phẩm.
Về giao dịch, với nguồn cung căn hộ condotel dồi dào và du lịch phát triển mạnh mẽ, Khánh Hòa và Đà Nẵng là hai địa phương dẫn đầu thị trường về số lượng giao dịch căn hộ condotel. Trong đó, Nha Trang chiếm lĩnh thị trường với hơn 7.300 giao dịch tính đến tháng 7, theo sau là Đà Nẵng khoảng 6.800 căn. Trong số giao dịch thành công này, không ít chủ đầu đã cam kết lợi nhuận ở mức cao để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, trong thời gian tới, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tranh chấp nếu mức cam kết lợi nhuận không được đảm bảo, gây hệ lụy không tốt cho thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng đang tồn tại nhiều vướng mắc khiến khách hàng và các nhà đầu tư lo ngại, trước hết là về tính pháp lý. Hiện pháp lý của mô hình condotel chưa rõ ràng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khách hàng và nhà đầu tư. Theo đó, loại hình bất động sản này vẫn chưa được pháp luật công nhận và cấp sổ đỏ khiến khách hàng lo ngại về rủi ro khi quyết định đầu tư căn hộ.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, sau giai đoạn phát triển nóng, giá bán các sản phẩm condotel trên thị trường hiện đang được đẩy lên quá cao, có những căn lên đến 70 - 80 triệu đồng/m2 nên kén khách hơn và không phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng.
Cũng theo ông Đính, thị trường bất động sản du lịch hiện chỉ còn các nhà đầu tư lâu dài, quan tâm đến khả năng sinh lời của dự án từ việc cho thuê lại. Vì vậy, các khách hàng cũng chỉ lựa chọn các dự án của chủ đầu tư uy tín, chất lượng và khả năng điều hành, khai thác, kinh doanh dự án sau đầu tư hiệu quả nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn và khả năng sinh lợi cao, bền vững cho họ.
Trong khi đó, thực tế trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư thiếu uy tín đã không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận với khách hàng dẫn đến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường. Đặc biệt, tình trạng không ít chủ đầu tư cam kết trả mức lợi nhuận cao cho nhà đầu tư condotel ngày càng nhiều để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Đính, khách hàng không nên quá hám lợi mà không suy xét kỹ trước khi xuống tiền đầu tư bởi nguyên tắc lợi nhuận cao thì rủi ro cũng lớn. 
Đồng quan điểm, ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Công ty Indochina Capital Corporation chuyên nghiên cứu về bất động sản, cho rằng vấn đề cam kết lợi nhuận đầu tư condotel tại một số dự án ở Việt Nam do chủ đầu tư đưa ra cho nhà đầu tư mức từ 8-12%/năm là không tưởng vì dù thị trường du lịch ở Việt Nam tiềm năng nhưng không thể đạt được mức lợi nhuận này. Trên thế giới chưa có chủ đầu tư nào dám đưa ra mức lợi nhuận như vậy. Do đó, nhà đầu tư cần tỉnh táo với những cam kết lợi nhuận “trên mây” như vậy.
Theo ông Michael Piro, thay vì đưa ra các mức lợi nhuận cam kết, các nhà phát triển bất động sản du lịch ở Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn đến uy tín; cần sự tham gia của các đơn vị quản lý tầm quốc tế; đem lại niềm tin từ phía khách hàng. Ngoài ra, cần đảm bảo tính minh bạch khi làm việc với người mua và cần có những nỗ lực để cải thiện những vấn đề quan trọng như visa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.