Đó là vấn đề nhận được nhiều ý kiến quan tâm thảo luận tại hội thảo khoa học "Hoàn thiện thể chế phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước trong bối cảnh hội nhập" do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) tổ chức sáng nay, 15.11.
GS Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng lý luận T.Ư, thừa nhận giai đoạn vừa qua, việc quản lý, cơ chế điều hành của các tập đoàn kinh tế nhà nước còn nhiều khiếm khuyết. Trong đó, vấn đề nổi cộm của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là quản lý con người, các lãnh đạo. "Tập đoàn nào mà chọn được người đứng đầu có trình độ, có tính Đảng thì tuyệt vời, nhưng điều này vừa qua là hơi hiếm", ông Hiền nhận xét, song nói thêm, thời gian gần đây, các lãnh đạo tập đoàn càng nắm chắc vấn đề, điều hành doanh nghiệp tốt hơn.
“Nói về thể chế, tôi cho rằng, chỉ cần thực hiện tốt các thể chế đã có thì DNNN sẽ tốt lắm rồi. Do đó, vấn đề còn ở chỗ tổ chức thực hiện. Cho nên, rất cần những gián quan trong doanh nghiệp để giám sát, để can ngăn, không để tình trạng ông chủ của DNNN tiêu tiền thoải mái mà không mất gì của mình”, ông Hiền nói.
GS Hồ Sĩ Thoảng, người từng đảm nhiệm cả hai "ghế" cao nhất là Chủ tịch lẫn Tổng giám đốc PVN giai đoạn 1992 - 2000, kể lại công việc đầu tiên khi ông về làm lãnh đạo PVN là lập ngay Ban Thẩm định, gồm những con người “hay nói ngang, nói những lời nghịch lỗ tai” bởi ông cho rằng nguyên tắc bàn bạc tập thể, tôn trọng phản biện là điều tối quan trọng trước các quyết sách.
“Chủ tịch, tổng giám đốc thật nhưng không anh nào có tiền ở doanh nghiệp đấy cả, vì suy cho cùng ông cũng có bỏ tiền đâu mà cũng chỉ là công chức, viên chức, cho nên phải thảo luận, bàn bạc tập thể. Và, tuy là Chủ tịch Hội đồng thành viên, nhưng tôi là người phản đối có hội đồng này. Tôi nghĩ chỉ cần Ban Tổng giám đốc là đủ và thực tế việc gì quan trọng tôi cũng triệu tập họp mở rộng, không chỉ Ban Tổng giám đốc mà các trưởng ban chủ chốt để lắng nghe”, ông Thoảng nhớ lại và khẳng định “hồi đó công việc trơn tru”.
Tương tự, PGS - TS Ngô Tuấn Nghĩa (Viện Kinh tế chính trị học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cũng nhận định, thời gian gần đây, một số tập đoàn kinh tế hoạt động chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng có nguyên nhân chính là sự chưa hoàn chỉnh của thể chế đánh giá, giám sát hiệu quả hoạt động của các tập đoàn. Vì vậy, ông Nghĩa kiến nghị, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về đánh giá, giám sát hoạt động của các tập đoàn kinh tế là vấn đề rất cấp bách hiện nay nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế ở Việt Nam.
“Việc giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế cần được xem là khâu trọng yếu trong điều kiện đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế hiện nay. Muốn vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất khung pháp lý về giám sát riêng phù hợp đối với các tập đoàn theo hướng minh bạch thông tin một cách thực chất, khắc phục việc lạm dụng vị trí độc quyền nhà nước để chuyển thành độc quyền doanh nghiệp gây khó khăn cho việc đánh giá hiệu quả hoạt động”, PGS Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận (0)