Cẩn thận tránh bị trộm thông tin tài khoản thẻ

30/01/2019 07:49 GMT+7

Thời điểm các doanh nghiệp chi lương thưởng cho người lao động cũng là lúc tội phạm tấn công lừa đảo người dân gia tăng. Các ngân hàng liên tục cảnh báo khách hàng thận trọng giao dịch cuối năm.

Ngân hàng (NH) Đầu tư và phát triển VN (BIDV) vừa có khuyến cáo khách hàng đề phòng, cảnh giác khi rút tiền tại các máy ATM và thực hiện các biện pháp an toàn bảo mật cần thiết để chủ động phòng tránh rủi ro. Trước đó, vào giữa tháng 1, chị M.N.Q (ở Yên Hòa, Q.Cầu Giấy, Hà Nội) bị rút 40 triệu đồng qua 9 lệnh từ tài khoản dù thẻ vẫn nằm trong túi.
Trường hợp của chị M.N.Q được dự đoán có thể thông tin tài khoản bị tội phạm đánh cắp và đã dùng nó để tạo ra thẻ giả, rút tiền trong tài khoản. Chiêu thức này khá đơn giản, kẻ gian sẽ lén gắn một thiết bị đọc trộm vào đầu đọc thẻ của ATM và 1 camera quan sát ghi lại mật khẩu đăng nhập khi người dùng gõ vào. BIDV khuyến cáo khách hàng cảnh giác khi rút tiền tại các máy ATM và thực hiện các biện pháp an toàn bảo mật cần thiết để chủ động phòng tránh rủi ro. Khách hàng quan sát kỹ khe đọc thẻ trên máy ATM trước khi đưa thẻ vào và dùng tay che bàn phím số khi nhập mật khẩu để tránh bị lộ.
Tương tự, vào đầu tháng 1, chị Hạnh (kế toán một công ty có trụ sở tại TP.HCM) liên tục nhận được điện thoại số 023638xxxxx của một nam thanh niên nhận là người của Viện KSND TP.Đà Nẵng. Theo người này, chị Hạnh có liên quan đến một vụ rửa tiền, nhóm tội phạm dùng tên chị Hạnh mở tài khoản ở NH để nhận tiền bất hợp pháp từ bán ma túy và có thể chị Hạnh sẽ phải đi tù từ 7 - 10 năm.
Sau khi nhận thông tin, tinh thần chị Hạnh bấn loạn không biết như thế nào thì nam thanh niên này chuyển cho chị một đường link là thông báo của Viện KSND tối cao quyết định ban hành tài khoản tạm giữ tài sản phục vụ điều tra, và yêu cầu chị Hạnh chuyển tiền vào số tài khoản điều tra viên để phục vụ công tác điều tra. Trong tài khoản lúc bấy giờ còn khoảng 10 triệu đồng, chị Hạnh đã chuyển số tiền vào tài khoản chỉ định. Sau đó, khi kể lại cho người thân thì chị Hạnh mới biết mình bị lừa.
Chị Nâu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chuyên bán hàng online, cho biết vừa rồi nhận được tin nhắn của một người tên Hieu Ngoc đặt hàng mua tặng người thân và do đang ở Đức nên người này yêu cầu Nâu cung cấp số tài khoản và cũng không quên hỏi “có đăng ký dịch vụ internet banking không”. Sau đó người này chuyển cho chị Nâu một tin nhắn từ dịch vụ Western Union 24/7 yêu cầu đăng nhập để nhận tiền. Chị Nâu nói: “Mấy chiêu lừa này cũ rích mà gần đây thấy hoạt động nhiều trở lại. Nhiều người không biết, đăng nhập vào đường link mà chúng gửi là lộ tài khoản ngay và chúng nhanh chóng chuyển tiền từ tài khoản mình đi mà không kịp làm gì”.
Hàng loạt NH như VietinBank, PVcombank, Techcombank... đã cảnh báo khách hàng về chiêu thức lừa đảo này và nhận xét những chiêu lừa đảo gần đây diễn biến phức tạp và tinh vi khi nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp tết tăng cao. Ngoài ra, một số chiêu lừa đảo khác được NH khuyến cáo cảnh giác như trúng thưởng và yêu cầu khách hàng cung cấp OTP của tài khoản, chuyển tiền hộ, mua thẻ cào; gửi các đường link truy cập vào các website giả mạo để lấy thông tin khách...
Các NH đều khuyến cáo khách hàng cần thận trọng vào những ngày cuối năm; trước khi chuyển tiền cần xác nhận lại qua điện thoại với bạn bè, người thân; không cung cấp thông tin tài khoản cho bất cứ ai... để tránh bị mất cắp thông tin, thiệt hại đến tài chính của bản thân mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.