Cấp bách thực hiện dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

23/04/2019 18:15 GMT+7

Do tính chất cấp bách của dự án, TP.HCM đề xuất Bộ GTVT giao địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai và kêu gọi đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).

Chiều nay 23.4, lãnh đạo UBND TP.HCM và lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh đã có buổi làm việc liên quan đến dự án xây dựng đường cao tốc nối TP.HCM - Mộc Bài.
Hơn 10.000 tỉ đồng nối TPHCM- Tây Ninh
Báo cáo về dự án, ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết Ban Quản lý dự án 2 (Tổng cục Đường bộ) vừa trình Bộ GTVT thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo đó, toàn tuyến dài 53,5 km, bắt đầu từ đường Vành đai 3 (TP.HCM) đi song song với đường sắt Tân Chánh Hiệp - Trảng Bàng, đến khu vực ga đường sắt Gò Dầu rẽ phải, cắt qua QL 22B rồi tiếp tục rẽ phải, vượt sông Vàm Cỏ đi về phía QL 22, kết nối với cửa khẩu Mộc Bài.
Tuyến cao tốc này dự kiến được đầu tư thành hai phân đoạn: TP.HCM - Trảng Bàng (dài 33 km) và Trảng Bàng - Mộc Bài (dài 20,5 km). Trong đó, đoạn TP.HCM - Trảng Bàng có quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh, tốc độ thiết kế 120 km/giờ. Đoạn Trảng Bàng - Mộc Bài được đề xuất đầu tư với mô hình đường cao tốc hạn chế 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/giờ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là khoảng 10.700 tỉ đồng theo hình thức đối tác công - tư (PPP), trong đó, phần vốn tham gia của nhà đầu tư chiếm khoảng 51%. Trong phần vốn góp của nhà nước, Bộ GTVT đang có kế hoạch sử dụng vốn vay ODA từ phía đối tác Hàn Quốc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh cho biết UBND tỉnh mới có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT giao UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức triển khai dự án, phối hợp thực hiện cùng UBND tỉnh Tây Ninh, đồng thời đề xuất phương án đầu tư không sử dụng vốn ODA khoảng 4.854 tỉ đồng, thay bằng nguồn vốn của nhà nước, được bố trí từ ngân sách Trung ương và ngân sách 2 tỉnh, thành.
Với đề xuất này, vốn hỗ trợ của TP.HCM là khoảng 2.255 tỉ đồng từ ngân sách ứng trước (có thể bằng tiền hoặc quỹ đất). Vốn hỗ trợ của tỉnh Tây Ninh khoảng 2.771 tỉ đồng từ ngân sách của tỉnh cùng ngân sách hỗ trợ của Trung ương. Trong thời gian ngân sách Trung ương không hỗ trợ đối với phần kinh phí đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, ngân sách tỉnh sẽ đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng, TP.HCM ứng trước cho cả phần vốn góp của Tây Ninh, tổng cộng 4.000 tỉ đồng.
Sơ đồ tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài Nguồn: Tổng cục Đường bộ Việt Nam
Tháo nút thắt cho ĐBSCL
"Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài không chỉ giải quyết bài toán giao thông cho tỉnh Tây Ninh, TP.HCM mà còn tháo nút thắt giao thuông cho vùng ĐBSCL và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội toàn vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Sử dụng vốn ODA vừa tạo sức ép lên trần nợ công, vừa khó khăn về thủ tục, mất quá nhiều thời gian trước khi tiếp nhận được vốn vay. Đồng thời, dự án sẽ chạy nhanh hơn nếu giao trực tiếp cho địa phương chủ động thực hiện. Do đó tỉnh Tây Ninh đề xuất giao UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, xây dựng phương án tài chính không sử dụng vốn vay ODA để cấp thiết triển khai ngay dự án cấp bách này" - ông Tài nói.
Cũng theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tây Ninh, hiện đã có 1 nhà đầu tư chiến lược của tỉnh ngỏ ý muốn đóng góp thay cả phần vốn hỗ trợ từ Trung ương để giảm bớt thêm thời gian giải ngân từ ngân sách. Theo đó, UBND TP.HCM và UBND tỉnh Tây Ninh sẽ lo phần giải phóng mặt bằng của 2 tỉnh (khoảng 3.000 tỉ đồng), phần còn lại khoảng 8.000 tỉ đồng nhà đầu tư sẽ đóng góp và thu hồi vốn theo hình thức thu phí.
Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến và Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Phạm Văn Tân thống nhất sẽ cùng gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng đồng ý cho UBND TP.HCM làm chủ đầu tư thực hiện dự án. Về phương án tài chính, ông Tuyến cho biết do đây là dự án trọng điểm quốc gia nên nếu muốn tách gói bồi thường giải phóng mặt bằng ra thành dự án riêng phải trình Quốc hội thông qua. Nếu Quốc hội đồng ý, 2 địa phương sẽ lo phần giải phóng mặt bằng, phần thi công, xây lắp sẽ tổ chức chọn nhà thầu đủ năng lực hoặc đấu thầu công khai để chọn nhà đầu tư.
Tuyến cao tốc nối TP.HCM - Tây Ninh được kỳ vọng khi đưa vào hoạt động sẽ xóa thế độc đạo của QL 22, hỗ trợ giao thông liên tỉnh từ TP.HCM đến Tây Ninh, sang Campuchia và các nước trong khối ASEAN, thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả vùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.