Cấp bách tìm giải pháp đối phó sâu keo mùa thu

20/07/2019 07:48 GMT+7

Sau khi xâm nhập VN khoảng tháng 3.2019, sâu keo mùa thu đã phát sinh, gây hại cục bộ ở hầu hết các tỉnh có trồng ngô (bắp).

Ngày 19.7 tại Gia Lai, Bộ NN-PTNT cùng cơ quan chức năng của các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên họp bàn giải pháp khẩn trương đối phó nạn sâu keo mùa thu đang tàn phá, đe dọa hàng chục ngàn héc ta cây trồng.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), sau khi xâm nhập VN khoảng tháng 3.2019, sâu keo mùa thu đã phát sinh, gây hại cục bộ ở hầu hết các tỉnh có trồng ngô (bắp). Đến trung tuần tháng 7, cả nước đã trồng được khoảng 415.000 ha ngô nhưng hiện đã có gần 15.000 ha ngô bị nhiễm sâu bệnh, diện tích bị thiệt hại nặng khoảng 1.300 ha. Trong đó, riêng 13 tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Tây nguyên có gần 7.000 ha bị nhiễm và hơn 800 ha nhiễm nặng. Dự báo cuối tháng 9 - 10, ngô vụ đông sớm xuống giống có khả năng sẽ tiếp tục bị sâu keo mùa thu gây hại.

Khó lường thiệt hại

Hiện công tác phòng trừ gặp nhiều khó khăn do vòng đời của sâu khá dài, trong cùng thời điểm sâu non có nhiều tuổi khác nhau dẫn đến hiệu quả của thuốc bảo vệ thực vật bị giảm. Ngoài ra, thuốc phải phun nhiều lần làm tăng chi phí sản xuất. Nhiều địa phương có địa hình đồi núi với độ dốc lớn hoặc xa nguồn nước dẫn đến khó khăn khi phun thuốc. Thời vụ trồng ngô tại các địa phương ở nhiều khu vực khác nhau, rải đều quanh năm nên sâu có thể lây lan trong thời gian dài.
Thực tế, sâu keo mùa thu tấn công vào nõn ngô và lây lan khá nhanh trên cùng một diện tích hoặc trên khoảng đồng rộng nên tác hại khá lớn. Tại nhiều địa phương, đã có tình trạng ngô bị nhiễm sâu nặng khiến người dân phá bỏ vì không thể đầu tư tiếp mua thuốc bảo vệ thực vật để phun và chờ đến thu hoạch. Đáng lưu ý, tình trạng này còn kéo dài trong thời gian bao lâu khi nông dân tiếp tục trồng ngô thì không cơ quan chức năng nào dự báo được.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ông Kpă Thuyên, cho biết: “Tính đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 5.000 ha trong tổng số 31.000 ha ngô vụ hè thu bị sâu keo mùa thu gây hại. Hiệu quả phòng chống sâu keo mùa thu chưa cao do đây là một đối tượng dịch hại mới nên hiểu biết của người nông dân về loài sâu này đang còn hạn chế. Công tác phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa thực sự sâu rộng, chưa huy động được lực lượng có sẵn tại địa phương để giúp dân thực hiện công tác phòng chống. Việc gieo trồng ngô không đồng loạt, trên cùng một khu vực có rất nhiều trà ngô được gieo trồng ở nhiều thời gian khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức phòng trừ chưa được đồng bộ và kiểm soát sự phát sinh di trú, gây hại của sâu keo”.

Đề xuất dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc gia khẩn cấp

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: “Không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ, đây là một sinh vật gây hại nguy hiểm, nó ăn không phải chỉ ngô đâu, còn rất nhiều cây trồng khác nhưng đối tượng số một là ngô. Đặc biệt, chúng ta canh tác liền vụ, chưa thu hoạch vụ này thì đã xuống giống mới cho nên chuyển tiếp rất phức tạp”.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ NN-PTNT đã có công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ phối hợp với các sở NN-PTNT các tỉnh bám sát ruộng đồng, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân các biện pháp phòng chống kịp thời; tập trung nghiên cứu, phối hợp trao đổi thông tin với các tổ chức quốc tế để đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng trừ hướng dẫn nông dân; tuyên truyền tác hại của sâu bệnh; đặt hàng nghiên cứu, tuyển chọn bộ giống ngô kháng, chống chịu sâu bệnh để đưa vào sản xuất… Các đơn vị nghiên cứu chủ động đề xuất và tổ chức nghiên cứu về sâu keo mùa thu cùng biện pháp phòng chống hiệu quả, kinh tế, an toàn cho môi trường. Cần nghiên cứu nhân nuôi ký sinh, thiên địch phòng chống sâu bệnh.
Bên cạnh đó, theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Cục đã cử 2 đoàn tham gia các hội thảo quốc tế về quan điểm, chiến lược và biện pháp phòng chống sâu keo mùa thu do FAO tổ chức ở Thái Lan; chủ động làm việc với FAO VN đề xuất xin dự án hỗ trợ kỹ thuật quốc gia khẩn cấp trong 1 - 2 năm nhằm tạo thêm nguồn lực phòng chống sâu keo mùa thu cho VN, trong đó tập trung thiết lập ít nhất 2 trung tâm nhân nuôi ong ký sinh sâu keo mùa thu để thả ra đồng ruộng. “Chúng tôi cũng trao đổi, đề xuất với đại diện Cục Nông nghiệp Hoa Kỳ hỗ trợ phòng chống sâu bệnh này bằng biện pháp sinh học nhằm bổ sung, nối tiếp dự án của FAO; cử cán bộ kỹ thuật đi Tây Phi tập huấn nhân nuôi ong ký sinh phòng trừ sâu keo mùa thu... Quan trọng là cần tìm các giải pháp phi hóa học, thân thiện với môi trường áp dụng vào VN”, ông Trung nói. 
Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện chưa có thuốc đặc hiệu phòng trừ sâu keo mùa thu. Trước mắt, đề nghị cơ quan chuyên môn các tỉnh sử dụng các loại thuốc như Bacillus thuringiensis, Spinnetoram, Indoxacarb, Lufenuron. Các loại thuốc này chỉ được phép sử dụng trong thời gian tối đa đến 31.12.2019.
Về lâu dài cần sử dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, trong đó biện pháp sinh học làm nòng cốt. Tổ chức nuôi các thiên địch có hiệu quả kiểm soát sâu; xây dựng các mô hình khuyến nông quản lý dịch hại tổng hợp; nghiên cứu các giống kháng sâu để giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hợp tác quốc tế, đối tác công tư để hỗ trợ các nguồn lực phòng trừ sâu…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.