Sâu keo tấn công cây bắp ở Phú Yên

Đức Huy
Đức Huy
13/07/2019 07:24 GMT+7

Sau Gia Lai, đến lượt Phú Yên đã phát hiện sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích cây bắp (ngô) ở nhiều huyện.

Như Thanh Niên đã thông tin, sâu keo mùa thu đang gây hại lớn ở Gia Lai khi hàng ngàn héc ta bắp bị nhiễm, nhiều diện tích có nguy cơ mất trắng. Mới đây, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên cũng đã phát hiện loại sâu này gây hại bắp tại các huyện: Đồng Xuân, Tây Hòa, Phú Hòa, Đông Hòa, Tuy An và Sông Hinh.

Diệt không hết, phải cày bỏ ruộng

Cụ thể, tại H.Đồng Xuân, sâu keo xuất hiện gây hại ở các xã Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 1. Gia đình ông Bùi Văn Long ở xã Xuân Sơn Bắc trồng 1.000 m2 bắp nhưng bị sâu xuất hiện cắn nát đọt. “Tôi chưa từng thấy con sâu nào cắn tàn phá bắp như loại sâu này. Cán bộ bảo vệ thực vật H.Đồng Xuân kiểm tra nhận định đây là sâu keo mùa thu và đã hướng dẫn cách phòng trừ. Tôi phun 3 lần thuốc, sâu có giảm nhưng vẫn còn lượng lớn cắn phá”, ông Long lo lắng nói.
Trong khi đó, ruộng bắp của bà Phan Thị Hiền kế bên ruộng ông Long cũng bị sâu keo mùa thu tấn công nên bà Hiền phải “bấm bụng” cày phá bỏ ruộng bắp này. Bà Hiền cho biết: “Ruộng bắp nhà tôi vừa ra 6 - 7 lá non, sâu keo mùa thu xuất hiện ăn như bò gặm cỏ, tôi đành phá bỏ, gieo đậu xanh. Thiệt hại nhưng phải đành vậy thôi, chứ biết làm sao bây giờ”.
Theo ông Bùi Văn Tứ, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật H.Đồng Xuân, hầu hết diện tích bắp trên địa bàn huyện này đều bị sâu keo mùa thu gây hại. “Trạm đã hướng dẫn nông dân phun trừ, tuy nhiên đối với bắp nhỏ 6 - 7 lá thì việc phun trừ hiệu quả, còn bắp lớn gần trổ cờ thì khó tiêu diệt loại sâu này”, ông Tứ nói.

Sức tàn phá khủng khiếp

Không chỉ ở H.Đồng Xuân mà các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đông Hòa và Sông Hinh cũng rơi vào tình trạng sâu keo cắn phá. Theo Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật H.Tuy An, sâu keo mùa thu gây hại 32 ha bắp ven sông Cái thuộc các xã An Định và An Dân. Sâu không chỉ nằm trên lá mà lẩn trốn dưới đất.
Ông Phan Văn Long (ở thôn Định Trung 2, xã An Định, H.Tuy An) cho biết: “Bắp nhà tôi trồng chưa được tháng tuổi đã bị sâu cắn trụi lá. Nửa buổi sáng, tôi ra ruộng vạch trên lá không thấy sâu nhưng khi moi dưới gốc thì thấy sâu chui ẩn nấp dưới lớp đất. Sâu nằm dưới đất rất khó tiêu diệt”. Còn ông Nguyễn Minh (ở xã Sơn Giang, H.Sông Hinh) thì nói: “Ruộng bắp nhà tôi xuất hiện sâu keo mùa thu, tôi phun thuốc diệt lứa trứng này thì sau đó lại nở ra lứa trứng khác, rất khó phòng trừ”.
Ông Nguyễn Tuấn Luân, Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật H.Tuy An, cho biết qua kiểm tra thực tế trên các ruộng bắp già, thì dưới nách lá nằm rất nhiều sâu, chứng tỏ mật độ sâu xuất hiện rất dày.
Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất mạnh, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây bắp trong vài ngày. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây với mật độ 4 - 8 con/m2. Cây bắp nếu đã bị sâu này gây hại thì rất khó phục hồi, vì chúng thường cắn đứt ngọn. Giải pháp phòng trừ là phun thuốc đặc trị: HOPSAN 75EC được pha theo liều lượng 30 - 40 ml/10 lít nước hoặc WELLOF 330 EC với hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Fipronil pha theo liều lượng 30 ml/10 lít nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.