Chậm giao mặt bằng metro, bồi thường 2 tỉ đồng/ngày

29/01/2015 06:11 GMT+7

Việc bàn giao mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM đã chậm trễ 30 tháng và nhà thầu chính thức khiếu nại, yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày.

Việc bàn giao mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, Bến Thành - Suối Tiên, TP.HCM đã chậm trễ 30 tháng và nhà thầu chính thức khiếu nại, yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày.

Chậm giao mặt bằng metro, bồi thường 2 tỉ đồng/ngàyPhần mặt bằng của Công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát chưa bàn giao để thi công tuyến metro số 1 - Ảnh: Diệp Đức Minh
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 28.1 về khiếu nại của nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6, ông Lê Khắc Huỳnh, Phó giám đốc Ban Quản lý (BQL) đường sắt đô thị (ĐSĐT) TP.HCM, cho biết số tiền đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày nằm trong điều khoản của hợp đồng đã ký kết khi thực hiện dự án. “Việc này giữa chủ đầu tư và nhà thầu phải có những buổi gặp nhau để thương thảo và hiện đang bắt đầu nhóm họp, có thể sẽ còn có nhiều cuộc họp tiếp theo sau Tết Nguyên đán”, ông Huỳnh nói.
Chỉ vướng một trường hợp
Là đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu nên về nguyên tắc UBND TP.HCM phải lo trả khoản tiền đền bù này. Tuy nhiên, đây là dự án vay vốn ODA nên nếu lấy tiền từ nguồn vốn ODA của dự án để trả thì đó cũng là nguồn ngân sách quốc gia
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Cũng theo BQL, dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro) hiện chỉ còn Công ty TNHH thương mại dịch vụ Vĩnh Phát (gọi tắt là Công ty Vĩnh Phát) trên địa bàn tỉnh Bình Dương chưa được giải tỏa, ảnh hưởng đến việc thi công gói thầu số 2. UBND TX.Dĩ An (Bình Dương) đã ban hành quyết định cưỡng chế trong tháng 1.2015, dự kiến bàn giao mặt bằng để triển khai khảo sát thiết kế thi công gói thầu này trong tháng 3.2015.
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc BQL, cho biết phần diện tích mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương phải giải tỏa để thực hiện các dự án giao thông vận tải xấp xỉ 2 ha, trong đó diện tích hành lang cho tuyến đường sắt đô thị đi qua khoảng 8.000 m2, còn lại một phần là Bến xe Miền Đông mới và xa lộ Hà Nội mở rộng. Các dự án này đều cùng chung một chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) và cùng thực hiện một lần.
Đoạn còn vướng GPMB trên địa bàn tỉnh Bình Dương thuộc gói thầu số 2 (xây dựng đoạn trên cao và depot dài 17,1 km, từ ga Ba Son đến địa bàn tỉnh Bình Dương) do nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco 6 làm tổng thầu, đã thi công đại trà từ tháng 4.2013, đến nay đạt khối lượng 26%. Hiện nhà thầu đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, khảo sát thủy văn, riêng phần khảo sát địa chất đạt 99% khối lượng. 1% còn lại gồm 5 vị trí hố khoan còn vướng ngay vị trí chưa GPMB trên địa bàn TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương, với chiều dài khoảng 200 m. “Nếu có mặt bằng thì nhà thầu mới tiến hành khoan khảo sát địa chất để có số liệu thực hiện công tác tiếp theo là thiết kế (kéo dài 4 - 6 tháng); sau đó mới thi công đoạn đường sắt này. Hiện chúng tôi mong muốn phía Bình Dương cho tiếp cận trước các vị trí khoan địa chất để tiến hành khoan lấy số liệu, sau đó trong quá trình tổ chức thiết kế sẽ tiếp tục triển khai GPMB để tránh mất thời gian phải chờ”, ông Cường nói và cho biết thêm nhà thầu đã khiếu nại 2 vấn đề, thứ nhất là về thời gian thực hiện hợp đồng sẽ không đảm bảo và yêu cầu phải gia hạn; thứ hai là yêu cầu bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian bị chậm ảnh hưởng đến chi phí máy móc thiết bị, chi phí nhân công, tổ chức bộ máy hoạt động...
Năm 2013, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản), thi công đường dẫn vào cầu Nhật Tân (Hà Nội), đã yêu cầu chủ đầu tư phải hỗ trợ thêm 155 tỉ đồng ngoài hợp đồng, do những chi phí phát sinh từ việc kéo dài hợp đồng thêm 27 tháng vì chậm bàn giao mặt bằng. 
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho biết từ đầu tháng 8.2014, khi việc bàn giao mặt bằng có dấu hiệu bị chậm trễ, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải thay mặt Chính phủ cũng đã trực tiếp vào làm việc, chỉ đạo tỉnh Bình Dương phải bàn giao mặt bằng chậm nhất vào 31.10.2014 (đến nay đã trễ 3 tháng). Nhưng tính từ ngày khởi công dự án vào tháng 8.2012, việc bàn giao mặt bằng đã chậm trễ 30 tháng, dẫn đến việc nhà thầu yêu cầu đền bù thiệt hại hơn 2 tỉ đồng/ngày vì sự trì hoãn này.
UBND TP.HCM phải trả
Trả lời phỏng vấn của Thanh Niên về việc ai sẽ trả khoản tiền này, nguồn tiền lấy từ đâu, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín nói: “Là đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu nên về nguyên tắc UBND TP.HCM phải lo trả khoản tiền đền bù này. Tuy nhiên, đây là dự án vay vốn ODA nên nếu lấy tiền từ nguồn vốn ODA của dự án để trả thì đó cũng là nguồn ngân sách quốc gia. TP.HCM đã nỗ lực hết sức, thực hiện đầy đủ các cam kết và quy định trong việc đền bù; trách nhiệm còn lại trong khâu GPMB thuộc về cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương”.
Ông Nguyễn Hữu Tín cũng khẳng định TP.HCM đã thực hiện đúng chính sách đền bù liên quan đến thu hồi mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát (tại TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để giao cho nhà thầu thi công gói thầu số 2 của dự án metro số 1. Do đất nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương nên việc đền bù, giải tỏa được áp dụng theo chính sách của tỉnh này. Nhà ga cuối của tuyến metro số 1 được xây dựng trên phần đất thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương là định hướng lâu dài của Chính phủ trong việc liên kết vùng giữa TP.HCM với Bình Dương và Đồng Nai bằng hệ thống metro. Tính toán này mang lại lợi ích chung cho nhiều tỉnh, thành trong việc phát triển kinh tế - xã hội về lâu dài, chứ không phục vụ chỉ cho lợi ích riêng của TP.HCM. Chính vì vậy, UBND TP.HCM đã nhiều lần gửi công văn đề nghị UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục hỗ trợ, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt các đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết dứt điểm việc bàn giao mặt bằng của Công ty Vĩnh Phát.
Bình Dương sẽ đối thoại lần cuối với chủ doanh nghiệp
Chiều 28.1, UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang khẩn trương đối thoại, vận động Công ty TNHH TMDV Vĩnh Phát (P.Bình Thắng, TX.Dĩ An, Bình Dương) bàn giao mặt bằng thi công tuyến metro số 1. Dự kiến ngày 30.1, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại lần cuối đối với chủ doanh nghiệp này và đến ngày 4.2, các cơ quan hữu quan họp kết luận vụ việc, có thể tiến hành cưỡng chế ngay sau đó nếu doanh nghiệp vẫn không hợp tác.
Trước đó, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận cho doanh nghiệp tạm ứng kinh phí 10 tỉ đồng để di dời số máy xúc, máy ủi... trên phần đất bị giải tỏa. Theo một lãnh đạo tỉnh Bình Dương, hiện chủ doanh nghiệp đã đồng ý cho đơn vị thi công vào trong khu vực công ty để thực hiện đo đạc, thăm dò địa chất...
ĐỖ TRƯỜNG
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.