Theo CNN, Ủy viên thương mại EU Cecilia Malmström đang gặp các quan chức chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, bao gồm Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross và Đại diện thương mại Robert Lighthizer nhằm tìm cách tránh thuế nhập khẩu nhôm, thép dự kiến sẽ có hiệu lực vào ngày 1.6.2018, sau một tháng Mỹ gia hạn miễn thuế. Tuy nhiên, cả hai bên đều tỏ ra ít hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán ở Paris (Pháp).
“Hy vọng các cuộc đàm phán sẽ có kết quả tích cực… không có thuế quan hoặc hạn ngạch, nhưng thực tế tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể hy vọng về điều đó”, bà Malmström nói với Nghị viện châu Âu hôm 29.5.
tin liên quan
Nhật Bản, EU lên kế hoạch trả đũa thuế quan của MỹMối quan hệ thương mại giữa Mỹ và EU có giá trị hơn 1.000 tỉ USD mỗi năm. EU xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ nhiều hơn chiều ngược lại, mặc dù thương mại dịch vụ giữa hai bên khá đồng đều.
Cuộc đàm phán Mỹ - EU diễn ra chỉ một ngày sau khi chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ áp đặt thuế quan đối với 50 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc và hạn chế đầu tư của quốc gia châu Á vào Mỹ. Các chuyên gia cho biết rất khó để dự đoán kết quả đàm phán Mỹ - EU.
“Với cách thức mà Mỹ đã giải quyết vấn đề thương mại, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tôi không thấy có bất kỳ lợi ích đặc biệt nào cho chính quyền ông Trump khi làm EU bực bội”, Ross Denton, chuyên gia thương mại và đối tác của hãng luật Baker McKenzie, nói.
Phòng Thương mại Mỹ tại Liên minh châu Âu, đại diện cho các công ty Mỹ ở EU, đã kêu gọi chính quyền ông Trump kiềm chế.
“Những đề xuất thuế quan của Mỹ có thể làm bùng nổ sự leo thang nguy hiểm trong tranh chấp thương mại và cũng có thể gây ra những hậu quả không mong muốn khác. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc làm, tăng trưởng kinh tế và an ninh ở cả hai phía Đại Tây Dương”, Phòng Thương mại Mỹ tại Liên minh châu Âu nói.
EU cho biết sẽ phản ứng theo cách “cân bằng” để tránh một cuộc chiến thương mại. Nhưng ông Trump có khả năng sẽ không nhìn theo cách đó. Trước đó, Tổng thống Mỹ đã đe dọa sẽ phản ứng lại đối với bất kỳ rào cản thương mại mới nào của EU, bằng cách đánh thuế ô tô sản xuất ở châu Âu. Ông Ross đã đưa ra một cuộc điều tra để xác định liệu nhập khẩu ô tô toàn cầu có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Mỹ hay không.
Hiện quan hệ giữa Mỹ và EU cũng đang căng thẳng về vấn đề Iran. Các doanh nghiệp châu Âu gần đây gặp phải không ít khó khăn bởi quyết định của ông Trump về việc áp đặt lệnh trừng phạt lên Iran. EU đã phản ứng lại bằng cách đưa ra các biện pháp được xây dựng để thách thức hành động của Mỹ và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp châu Âu.
Bình luận (0)