Cảng cá chưa đáp ứng nhiệm vụ
Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết việc xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác còn gặp nhiều khó khăn do bất cập trong quản lý nhà nước, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực hạn chế…
Cụ thể, theo Thông tư 02/2018/TT-BNNPTNT, việc xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác được chuyển giao từ Chi cục Thủy sản sang Ban Quản lý cảng cá. Theo đó, Ban Quản lý cảng cá có nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu khi đối chiếu thông tin về vị trí hoạt động của tàu cá do các trạm bờ cung cấp. Trong các trường hợp không ký giấy xác nhận, Ban Quản lý cảng cá phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
tin liên quan
EU 'rút thẻ vàng': Xuất khẩu thủy sản thiệt hại nghiêm trọngCũng theo VASEP, nghiệp vụ xử lý của nhân viên cảng cá còn chậm, không kịp thời đối chiếu dữ liệu thậm chí đối chiếu không được. Nhiều ban quản lý cảng cá không có đủ nhân lực cũng như thiếu trang thiết bị cần thiết nên thời gian xử lý chậm. Một vấn đề khác, Thông tư 02 và các hướng dẫn ban hành không có quy định nào yêu cầu cung cấp giấy phép khai thác, tàu cá nhắn tin nên khi thu mua DN cũng không biết được tàu nào nhắn tin và tàu nào không nhắn tin. Cơ quan chức năng không phản hồi thông tin kịp thời.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản - Chủ tịch danh dự VASEP, nói: “Vai trò quản lý của nhà nước phải được thể hiện trong việc phân định rõ trách nhiệm nghĩa vụ, cải thiện nghiệp vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc xác nhận nguyên liệu một cách đầy đủ, kịp thời hơn. Bên cạnh đó, tạo ra chính sách hoàn chỉnh để ngư dân thực hiện nghiêm túc việc ghi chép và báo cáo nhật ký khai thác”.
Thái Lan quyết tâm xóa thẻ
Trong khu vực ASEAN, nhiều nước đã và đang nhận thẻ vàng giống VN. Năm 2014, Philippines bị EU cảnh cáo thẻ vàng, nhưng bằng hàng loạt các biện pháp quyết liệt họ đã xóa được thẻ vàng chỉ 10 tháng sau đó.
Từ tháng 4.2015, đến lượt Thái Lan bị phạt thẻ vàng, kéo dài đến nay. Hai vấn đề tồn tại hiện nay của Thái Lan là việc quản lý đội tàu và thực thi pháp luật. Với sự hỗ trợ của EU, Thái Lan đã xây dựng lại hệ thống luật pháp và các văn bản pháp luật liên quan đến ngành khai thác hải sản theo hướng hiện đại ngang chuẩn thế giới. Các quy định mới bao gồm: cấp phép khai thác phù hợp với số lượng động vật biển, quản lý đội tàu kiểm soát các tàu cá có quy mô thương mại, kiểm soát và giám sát hoạt động đánh cá thông qua cảng và kiểm soát ra cảng, lắp đặt hệ thống giám sát tàu, kiểm tra hằng ngày trên biển, kiểm soát cập bến. Bên cạnh đó, cấm nhập khẩu các sản phẩm vi phạm quy định khai thác IUU. Ngành chức năng Thái Lan đã đánh dấu và giam giữ khoảng 1.098 tàu cỡ lớn không có giấy phép khai thác. Có 13 nhân viên cảnh sát đã được triển khai làm việc toàn thời gian tại Trung tâm giám sát thủy sản để phát hiện hoạt động khai thác bất hợp pháp.
Trong khu vực, Indonesia là một trong những nước tích cực thực hiện chính sách chống khai thác IUU từ năm 2014. Chính sách của nước này là hạn chế khai thác tạm thời đặc biệt là tàu nước ngoài đăng ký khai thác tại Indonesia. Một nghiên cứu mới đây cho thấy những chính sách này làm giảm sản lượng đánh bắt cá, nhờ vậy tăng khả năng phục hồi nghề cá mà không làm tổn hại tới sản lượng đánh bắt và lợi nhuận của ngư dân địa phương.
Bình luận (0)