Chỉ được ưu đãi thuế nhập khẩu giao dịch điện tử không quá 4 đơn hàng/tháng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
03/09/2021 06:20 GMT+7

Đó là quy định tại dự thảo Nghị định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) mà Bộ Tài chính đang lấy ý kiến.

Tăng trưởng giao dịch TMĐT mỗi năm 25 - 30%

Nhu cầu mua bán hàng hóa qua TMĐT có xu hướng phát triển mạnh, vì vậy số lượng các lô hàng tăng nhanh. Theo thống kê của cơ quan hải quan trong 6 tháng đầu năm 2020, lượng hàng hóa giao dịch TMĐT làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan TP.Hà Nội kim ngạch ước đạt 1,025 tỉ USD, trong đó tháng 6 là 416 triệu USD, tăng 5 lần so với tháng 1 chỉ 85 triệu USD. Còn theo số liệu nhập khẩu của 1 công ty tại Hà Nội chuyên làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa của sàn TMĐT Shopee, Lazada của Trung Quốc (là đại lý của các sàn này tại Việt Nam), năm 2020 kim ngạch nhập khẩu hơn 551,5 triệu USD (trong đó quý 1 hơn 1,34 triệu USD, quý 2 hơn 30,9 triệu USD, quý 3 hơn 249,3 triệu USD và quý 4 hơn 269,88 triệu USD). Trong năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của công ty này quý 1 là 69,82 triệu USD, tăng hơn 50 lần so với cùng kỳ năm ngoái, quý 2 là 49,16 triệu USD, tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam là 25 - 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ 3 Đông Nam Á, sau Indonesia và Thái Lan. Do đó cần có biện pháp quản lý mới phù hợp với hoạt động TMĐT qua biên giới.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT thời gian qua tăng nhanh, đặc biệt thời điểm hàng giảm giá nhưng thủ tục hải quan thực hiện như đối với hàng hóa thông thường nên gặp phải một số vướng mắc như người mua không nộp hoặc xuất trình được giấy liên quan đến trị giá hàng để xác định giá tính thuế; số lượng các lô hàng nhỏ tăng nên hải quan cần có giải pháp thúc đẩy thông quan hàng hóa, giảm nguy cơ ách tắc tại cửa khẩu; cơ quan hải quan chưa có thông tin trước hàng hóa nên không đủ cơ sở để ra quyết định miễn kiểm tra. Ngoài ra, hiện nay chưa có cơ chế quản lý đối với hàng xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT nên khi thực hiện các thủ tục hải quan, người mua hàng gặp khó trong việc nhận hàng mua từ nước ngoài. Do đó hình thành nên việc mua hộ hàng trên website và vận chuyển số hàng về Việt Nam theo con đường không chính thống, đặc biệt qua biên giới đường bộ gây khó khăn trong công tác đấu tranh gian lận thương mại.

Chỉ được ưu đãi thuế không quá 4 đơn hàng/tháng

Trước tình hình thực tế cũng như tham khảo cách thực hiện của một số nước, Bộ Tài chính đưa ra dự thảo Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua sàn TMĐT hoặc website TMĐT bán hàng (không quy định trường hợp giao dịch hàng hóa qua nền tảng TMĐT khác như Facebook, Zalo…) để đảm bảo các yếu tố, thông tin để cơ quan hải quan áp dụng chính sách đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT. Nghị định này quy định cụ thể hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua TMĐT và hệ thống này sẽ kết nối với hệ thống hải quan thông minh, các quy định của hệ thống nhằm mục tiêu tiếp nhận, tích hợp, chia sẻ thông tin về đơn hàng từ phía người bán hoặc sàn giao dịch TMĐT, website TMĐT bán hàng.
Hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT hiện nay không có quy định về chính sách thuế, hàng nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa TMĐT hay hàng hóa khác) có giá trị hải quan từ 1 triệu đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 100.000 đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu (theo Nghị định 18/2021 quy định một số điều và biện pháp thi hành luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu) nhưng chưa quy định cụ thể số lần hoặc lô hàng được miễn thuế. Do vậy dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm mục đích miễn thuế. Do vậy, dự thảo Nghị định quy định ưu đãi thuế bổ sung thêm quy định mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng. Trường hợp hàng hóa có giá trị hơn 1 triệu đồng và số thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng thì phải nộp thuế nhập khẩu với toàn bộ trị giá hàng nhập khẩu.
Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT thực hiện theo quy định, người nộp thuế phải nộp đủ các loại thuế này đối với toàn bộ lô hàng. Theo quy định hiện hành, hầu hết hàng hóa xuất khẩu đều có thuế suất bằng 0, do vậy tại dự thảo Nghị định không quy định nội dung miễn thuế xuất khẩu…
Dự thảo Nghị định còn đề cập đến quy trình thông quan nhanh chóng cho hàng hóa xuất nhập khẩu qua sàn TMĐT; quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Công an… trong quá trình thực hiện. Dự kiến Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2023.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.