Chính phủ sẽ bán các ngân hàng yếu kém tại Việt Nam

Mai Phương
Mai Phương
08/08/2018 17:28 GMT+7

Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ ở nhiều lĩnh vực như tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước... Trong đó có việc bán lại các ngân hàng yếu kém.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, Chính phủ vẫn khuyến khích hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) các ngân hàng nhỏ để trở thành những ngân hàng lớn hơn. Sắp tới nhà nước cũng có chủ trương sẽ bán, chuyển giao những ngân hàng yếu kém và trong tình trạng kiểm soát đặc biệt như Ngân hàng Xây dựng, GP Bank, Oceanbank… Đặc biệt Chính phủ sẽ hạn chế và không cấp thêm giấy phép hoạt động cho ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam nhưng vẫn khuyến khích và cho phép các tổ chức, ngân hàng nước ngoài mua lại những ngân hàng yếu kém trong nước và chuyển thành ngân hàng 100% vốn ngoại.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ thực hiện cổ phẩn hóa và thoái vốn khỏi các ngân hàng nhà nước như thực hiện cổ phần hóa ngân hàng Agribank vào năm 2019; bán bớt vốn nhà nước hoặc phát hành thêm cổ phần tăng vốn điều lệ và giảm sở hữu vốn nhà nước tại ngân hàng BIDV và Vietcombank. Đồng thời, Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xây dựng đề án tái cơ cấu các công ty tài chính, các tổ chức tín dụng nhân dân; thu gọn danh mục doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ vốn...
“Hoạt động M&A đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đồng thời là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu của Việt Nam nói chung thành công và của doanh nghiệp nói riêng. Chính phủ đang nỗ lực hành động vì một môi trường đầu tư thực sự minh bạch, thuận lợi, khuyến khích hoạt động M&A phát triển cả về số lượng và chất lượng”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định.
Theo thống kê, giá trị thương vụ M&A tại Việt Nam từ năm 2009 - 2018 đạt 48,8 tỉ USD với hơn 4.000 giao dịch. Riêng năm 2017 giá trị M&A đạt mốc kỷ lục 10,2 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.