Kết thúc phiên giao dịch ngày 28.9, sàn chứng khoán Việt Nam ghi nhận phiên tăng điểm khá ấn tượng. Chỉ số Vn-Index đóng cửa tăng 4,23 điểm (0,47%) lên 912,5 điểm. Thanh khoản gia tăng mạnh mẽ với hơn 420 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng giá trị hơn 7.250 tỉ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục trở thành động lực chính giúp thị trường tăng điểm. Trong đó, CTG của Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) dẫn sóng, đóng cửa tăng 3,63%; BID của BIDV tăng 1,23%... Ở chiều ngược lại, GAS, VHM và VRE, PLX là những tác nhân chính kéo tụt chỉ số.
Trong số các cổ phiếu thuộc nhóm ngành sản xuất, HPG của Tập đoàn Thép Hoà Phát là cổ phiếu “sáng” nhất trong rổ VN30. HPG tăng 2,52%, đóng cửa 26.400 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, kể từ khi chạm đáy hơn 12.000 đồng/cổ phiếu ngày 30.3, đến nay HPG đã đạt mức tăng ấn tượng hơn 100%.
|
Sự trở lại mạnh mẽ của HPG giúp ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hoà Phát, quay trở lại “đường đua” tốp 3 người giàu nhất sàn chứng khoán. Hiện ông Long sở hữu 25,35% vốn điều lệ, tương đương 700 triệu cổ phiếu.
Với mức giá 26.400 đồng/cổ phiếu, tổng tài sản tương ứng với lượng cổ phiếu nắm giữ của ông Trần Đình Long là 18.480 tỉ đồng. Ông Long đứng vị trí thứ 3, sau ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch VinGroup (đứng vị trí số 1) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air; Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank.
Trước đó, theo báo của của Tập đoàn Hoà Phát, lũy kế 8 tháng, Hòa Phát đạt sản lượng 3,2 triệu tấn thép, nâng thị phần lên 32% vào cuối tháng 8 vừa qua. Trong đó, thép xây dựng thành phẩm đạt trên 2,1 triệu tấn, tăng 18,3% so với cùng kỳ, còn lại là phôi thép.
Nhìn lại lịch sử, năm 2017, 1 năm sau khi tập đoàn hoàn thành giai đoạn 3 - Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Hải Dương, thị phần thép Hòa Phát tăng lên 22,2%. Đây là lần đầu tiên, Hòa Phát vượt qua khối VnSteel (Tổng công ty Thép Việt Nam), khẳng định vị thế số 1 trong ngành thép.
Ngoài việc khẳng định ngôi vị số 1 trong nước, trước đó, Hoà Phát đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc. Theo đó, Công ty TNHH Tập đoàn CIEC Hàng Châu (HANGZHOU CIEC GROUP CO., LTD) của Trung Quốc đã ký hợp đồng mua 120.000 tấn phôi thép của Hòa Phát với trị giá lên tới trên 1.000 tỉ đồng. Đây là lần đầu tiên, đối tác này đặt hàng với khối lượng lớn như vậy cho một đơn hàng.
Nguyên nhân chính khiến cổ phiếu thép tăng giá thời gian gần đây do tác động của đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đẩy mạnh các gói kích thích đầu tư công. Nhiều dự án, công trình khởi công mới đẩy mạnh nguồn cầu thép, đặc biệt là thép xây dựng.
Bình luận (0)