Cước hàng không 'đè' trái cây xuất khẩu

05/05/2018 06:40 GMT+7

Cước vận chuyển hàng không của VN cao ngất ngưởng khiến nhiều mặt hàng trái cây tươi giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu.

Một đồng hàng, ba đồng cước
Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agrice VN, cho biết trái cây vận chuyển qua đường hàng không chủ yếu phục vụ các thị trường khó tính như Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thượng Hải (Trung Quốc)... phải chịu giá cước cao. Cụ thể, trái cây tươi từ VN đi Thượng Hải (Trung Quốc) đang chịu cước 1,8 USD/kg đối với lô 1.000 kg, trên 3.000 kg thì cước giảm còn 1,65 USD/kg. Với thị trường Úc, nếu vận chuyển từ Hà Nội, giá cước là 3,05 USD/kg, còn vận chuyển từ TP.HCM thì cước vận chuyển là 2,6 USD/kg…
Ở các thị trường xa hơn như châu Âu, giá cước dao động từ 2,9 - 3,2 USD/kg. “Mức cước này quá cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, Thái Lan giá cước dao động 1,2 - 1,8 USD/kg, thấp hơn vài lần so với VN”, ông Thắng so sánh và cho biết do không “gánh” được cước vận chuyển của hàng không trong nước, mỗi khi xuất hàng, công ty của ông chọn dịch vụ vận chuyển của Thái Lan, Malaysia hoặc Singapore rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. “Trái cây VN xuất tươi chủ yếu là xoài, nhãn, thanh long, vải thiều… và chúng tôi đang phải chịu cảnh 1 đồng tiền hàng thì 3 đồng tiền cước. Giá mua nguyên liệu tại vườn của nông dân chỉ có khoảng 20.000 đồng/kg nhưng tiền cước vận chuyển hàng không đội lên cao hơn từ 2 - 3 lần”, ông Thắng nói.

Trái cây VN xuất tươi chủ yếu là xoài, nhãn, thanh long, vải thiều… và chúng tôi đang phải chịu cảnh 1 đồng tiền hàng thì 3 đồng tiền cước. Giá mua nguyên liệu tại vườn của nông dân chỉ có khoảng 20.000 đồng/kg nhưng tiền cước vận chuyển hàng không đội lên cao hơn từ 2 - 3 lần

Ông Đàm Quang Thắng, Tổng giám đốc Công ty Agrice VN

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Công ty CP Nafoods Group - DN chuyên xuất khẩu trái chanh leo, thốt lên “đắt khủng khiếp” khi nói về cước vận chuyển hàng không và cho rằng đây là rào cản lớn nhất kìm hãm xuất khẩu các sản phẩm trái cây của nước ta. Ông Hùng dẫn chứng, quả chanh leo từ VN đi châu Âu đang phải chịu cước 2,9 - 3,2 USD/kg, cao gấp nhiều lần so với mức cước vận chuyển chanh leo từ các quốc gia Nam Mỹ, Peru, Ecuador vào Pháp. Quả chanh leo của VN ở thị trường này chỉ nhờ vào chất lượng mới có thể đứng vững khi người tiêu dùng rất thích quả chanh leo giống tím do nông dân nước ta sản xuất ra. Tuy nhiên, giá cước vận chuyển quá cao, mỗi năm tổng lượng xuất khẩu của DN này chỉ loanh quanh trên dưới 1.000 tấn. “Cước hàng không chỉ cần ngang bằng với các nước trong khu vực thì sản lượng trái cây VN xuất khẩu ngay lập tức sẽ tăng mạnh”, ông Hùng nhận định.
Mất sức cạnh tranh
Câu chuyện về giá cước hàng không trong nước quá cao làm giảm sức cạnh tranh của trái cây VN ở nước ngoài từng được ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại VN tại Nhật Bản, chia sẻ tại hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản do Bộ NN-PTNT tổ chức tháng 2 vừa qua. Theo ông Minh, quãng đường bay từ VN sang Nhật Bản gần hơn so với đường bay từ Thái Lan, Ecuador sang Nhật Bản. Nhưng ở Nhật Bản, giá xoài VN cao hơn cả xoài từ các nước này thì rất khó được người tiêu dùng lựa chọn. Nếu tìm cách giảm cước vận chuyển thì số lượng trái cây VN xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ nhiều hơn.
Giá cước cao khiến Công ty Agrice VN mất một số đơn hàng cung cấp xoài cho thị trường Hàn Quốc vào tay các DN Thái Lan khi họ chào giá thấp hơn. “Ngay cả ở Úc trái cây VN còn bỡ ngỡ với người tiêu dùng, chưa có sự nhận diện thương hiệu như sản phẩm của Thái Lan nên nếu cước vận chuyển cao thì hàng VN khó chiếm lĩnh và gầy dựng được thị trường bền vững”, ông Thắng nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ (Bộ Công thương), cho biết giá cước hàng không cao nên lượng trái cây xuất khẩu đi xa đến các thị trường châu Âu, châu Mỹ hiện không nhiều. Trái cây tươi xuất khẩu cũng chỉ loanh quanh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Còn ở thị trường các nước châu Âu, châu Mỹ, ngay cả những DN lớn 1 năm cũng chỉ xuất khẩu được một vài ngàn tấn, rất khó tăng sản lượng vì cước phí vận chuyển cao.
Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng mặt hàng rau quả, trái cây xuất khẩu rất khó bảo quản nếu vận chuyển dài ngày bằng đường biển, trong khi nhu cầu người tiêu dùng muốn ăn trái cây tươi. Hiện nay, chi phí về logistics, đặc biệt là cước vận chuyển hàng không, vẫn chiếm phần lớn trong cơ cấu giá bán khiến trái cây VN rất khó cạnh tranh. “Chúng tôi cũng rất mong muốn giá cước hàng không nếu hạ thấp được so với mức hiện giờ thì ngành hàng rau quả, trái cây VN gia tăng cả về khối lượng, giá trị khi xuất khẩu được nhiều hơn”, ông Toản nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.