Trái cây từ Thái Lan về Việt Nam sẽ rẻ hơn

02/01/2018 05:00 GMT+7

Kể từ ngày 1.1.2018, VN sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu đối với 669 dòng thuế, trong đó có nhiều mặt hàng rau - củ - quả nhập khẩu (NK) từ các nước ASEAN, mức thuế còn 0%.

Năm vừa qua, ước tính VN đã chi hơn 1,55 tỉ USD NK rau quả các loại, tăng 68% so với năm 2016. Trong đó, dẫn đầu xuất khẩu rau quả vào VN là Thái Lan, đứng thứ hai là Trung Quốc. Đặc biệt, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, từ tháng 1.2017 - 11.2017, VN đã NK 793,8 triệu USD hàng rau quả từ Thái Lan, vượt xa mức NK 262,39 triệu USD mặt hàng này từ Trung Quốc. Hầu như các loại trái cây của nước láng giềng đã có mặt ở khắp các vùng miền, từ siêu thị đến chợ nhỏ của VN như: sầu riêng, măng cụt, xoài, chôm chôm, bòn bon… Những sản phẩm này dù tương đồng với các loại trái cây của VN nhưng giá không cao hơn nhiều. Đặc biệt trái cây Thái Lan cũng không quá đắt như hàng NK từ các nước Nhật, Hàn, Úc...
Bên cạnh đó, với mẫu mã đẹp, chất lượng ổn định, trái cây ngoại hơn hẳn một số trái cây trong nước nên dễ dàng được người dùng Việt ưa chuộng.
Chủ một vựa trái cây tại chợ Tân Mỹ, Q.7, TP.HCM cho biết một số trái cây của Thái còn rẻ hơn cả hàng trong nước như xoài, chuối… Đó là chưa kể nhiều sản phẩm ra trái quanh năm, trong khi VN chỉ có một vụ nên càng được tiêu thụ mạnh. Ví dụ, loại xoài xanh của Thái hầu như có hàng quanh năm, giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, trong khi xoài cát Hòa Lộc của VN dù vẫn được ưa chuộng với giá gần 100.000 đồng/kg nhưng chỉ có một vụ chính. Vì vậy nhiều người chọn mua xoài Thái để dùng.
Theo TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thuế trái cây Thái vào VN còn 0% thì giá sẽ giảm và lượng hàng NK sẽ càng gia tăng. Khi đó người tiêu dùng càng ưu tiên mua hàng ngoại. Hàng nông sản, trái cây Việt sẽ gặp khó khăn nhiều trong vài năm tới. Điều này sẽ tạo nên áp lực cho các doanh nghiệp, người nông dân sẽ phải cải tiến, thay đổi về giống, chất lượng cây trồng. Đồng thời khâu đóng gói, bảo quản để hoa quả đến tay người dùng đảm bảo về chất lượng cũng cần được đầu tư hơn, để trái cây Việt vẫn có chỗ đứng ngay trên sân nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.