Cứu doanh nghiệp cần gấp như cứu hỏa

10/04/2020 06:23 GMT+7

Sau hơn 1 tháng từ khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu giãn, giảm thuế thì đến nay các gói hỗ trợ vẫn chưa đến tay doanh nghiệp và người dân.

Chưa được giảm lãi, khoanh nợ

Kể từ ngày 8.4, nhiều doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh sản xuất trên toàn quốc được gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền thuê đất với gói hỗ trợ lên tới 180.000 tỉ đồng. Thế nhưng với nhiều DN, điều này sẽ không có tác dụng nhiều nếu như không được khoanh nợ, giảm lãi vì sẽ “chết” nếu dịch bệnh vẫn kéo dài.
Tôi nghĩ nếu các bộ ngành bớt phần cẩn trọng một chút, lấy tinh thần cứu DN y tinh thần chống dịch, mọi cái sẽ được giải quyết suôn sẻ và nhanh hơn nhiều
Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế
Theo ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Lâm Vinh (TP.HCM) - công ty đã sụt giảm doanh thu 50% trong 2 tháng qua và buộc cũng phải giảm số nhân sự khoảng 30%. Nhưng hiện tại công ty vẫn phải trả lãi vay trung dài hạn bình quân 10 - 11%/năm; mỗi tháng vẫn đóng bảo hiểm xã hội khoảng 100 triệu đồng; đóng phí bảo trì đường bộ 1,8 triệu đồng/xe đầu kéo/tháng dù xe nằm yên không hoạt động, tương ứng gần 90 triệu đồng/tháng cho đội xe... Tất cả đang là gánh nặng chi phí cho DN này và ông chủ công ty khẳng định: Có ngân hàng quen nói chỉ giảm lãi tối đa được 0,2%/năm nhưng vẫn chưa thông báo chính thức. Nếu tình hình này kéo dài thì DN cũng sẽ phải đóng cửa vì chỉ cầm cự được 3 - 4 tháng, tới khi khó khăn về dòng tiền, nhân sự...
Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Thiên Bút, cũng chia sẻ, sau khi Thông tư 01 của Ngân hàng Nhà nước ban hành về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, công ty có liên lạc làm việc với 2 ngân hàng xin được giảm lãi vay. Tuy nhiên, theo lãnh đạo của 2 chi nhánh ngân hàng này là Thông tư 01 vẫn còn chung chung, không khoanh cụ thể đối tượng nào nên phải chờ. “Ban đầu, lãi suất DN đang vay là 8 - 9%, các ngân hàng giải thích là chỉ giảm cho khách hàng thâm niên, cũng chỉ giảm 0,2 - 0,3%, tức từ 8,5% xuống 8,2%/năm là nhiều nhất. Mức giảm này chẳng thấm vào đâu và cũng như không giảm”, ông Phong nói.
Ông Nguyễn Thanh Thuyên, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ chăn nuôi nông nghiệp Việt Úc, cũng đã làm đơn gửi ngân hàng xin khoanh nợ, giảm lãi suất vì từ đầu tháng 2 đến nay gặp rất nhiều khó khăn cả trong kinh doanh lẫn sản xuất. Hiện hàng sản xuất và cả nhập về bán không được, đối tác lấy hàng cũng chưa trả được tiền, nên cầu cứu đến ngân hàng. Tuy nhiên, trả lời từ phía ngân hàng là họ không áp dụng chính sách ưu đãi cho DN theo Thông tư 01.
Lãi suất của công ty vay trước đó là 10 - 11%, giảm theo lộ trình xuống 8%. Mức giảm này là chung cho nhiều DN vay sản xuất nông nghiệp chứ không phải giảm vì hỗ trợ mùa dịch. Riêng việc khoanh nợ bị từ chối thẳng. Không ngoại lệ, Công ty TNHH cao su Đức Minh cũng bị ngân hàng bảo “phải chờ” khi xin được giảm lãi suất, giãn nợ. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty cao su Đức Minh, lãi suất cho vay ở mức 8,6%/năm vẫn còn khá cao với các DN nhỏ và vừa, nhất là trong lúc quá khó khăn vì dịch bệnh như hiện nay.
Bên cạnh đó, việc gia hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế GTGT vừa được Chính phủ công bố cũng chưa hỗ trợ nhiều. Đối với các DN nhập khẩu thì ngoài thuế nhập khẩu, phải nộp đủ thuế GTGT mới được thông quan hàng hóa nên chính sách trên hầu như không áp dụng được. “DN ngành cao su, nhựa thời gian đầu chưa bị ảnh hưởng nặng nhưng cũng chỉ đủ sức chịu đựng thêm khoảng 2 tháng nữa. Khi đó sức mua càng giảm, dòng tiền cạn kiệt thì nhiều DN sẽ không cầm cự nổi. Theo tôi, việc hỗ trợ cho DN trong lúc này quan trọng nhất là giãn nợ và giảm lãi suất cho cả khoản vay cũ và mới. Các giải pháp này càng được thực hiện nhanh chừng nào càng tốt cho DN chừng đó”, ông Nguyễn Quốc Anh nhấn mạnh.

Phải cứu DN bằng tinh thần chống dịch

Các DN nhận xét rằng người đứng đầu Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời để hỗ trợ DN hay người dân. Tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn quá chậm. Ông Lâm Đại Vinh ví von việc hỗ trợ DN lúc này cũng như cứu hỏa. Chính phủ đã ra quyết sách giống như đã có nguồn nước, nhưng nguồn nước này vẫn còn ở xa chưa đến được ngay đám cháy nên không thể dập tắt lửa. Nếu cứ kéo dài, DN đều kiệt quệ, phá sản thì có hỗ trợ hay đưa cho “máy thở” cũng bằng không.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng đã đưa ra rất sớm là khẩn trương để cứu DN để sau dịch bệnh, DN còn có thể tồn tại mà gầy dựng phát triển lại. Chúng ta đã làm rất tốt việc chống dịch Covid-19, lúc nào cũng sôi sùng sục và nhận được sự đồng lòng quyết liệt từ Chính phủ đến dân.
Thế nhưng, trong công tác cứu DN, chúng ta hình như đang chậm mất một bước. Chính phủ quyết liệt, nhưng bên dưới, tinh thần cứu nền kinh tế chưa bằng tinh thần chống dịch. “Theo tôi, tinh thần của Thủ tướng đề ra ban đầu liên quan đến kinh tế không khác gì tinh thần chỉ đạo phòng chống dịch.
Ngay từ giữa tháng 2, tôi nhớ Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã lên danh sách và liệt kê những tổn thương trước mắt mà DN gặp phải ngay đầu mùa dịch và đưa ra dự báo. Theo tôi nghĩ, các gói hỗ trợ phải vào cuộc ngay từ tháng 2, chứ không phải đến gần giữa tháng 4 vẫn còn rất nhiều DN chưa biết mặt mũi gói hỗ trợ cho chính mình là gì.
Thời gian vàng để cứu DN không còn nữa, chúng ta làm ngay, bắt tay ngay chứ không nên bàn cãi. Tôi nghĩ nếu các bộ ngành bớt phần cẩn trọng một chút, lấy tinh thần cứu DN y tinh thần chống dịch, mọi cái sẽ được giải quyết suôn sẻ và nhanh hơn nhiều”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Gói 180.000 tỉ đồng giãn thuế có hiệu lực từ 8.4

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các đối tượng chịu thiệt hại bởi dịch Covid-19 (có hiệu lực từ ngày 8.4).
Nghị định gồm 5 nhóm đối tượng bao phủ tới 98% các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, sản xuất trên toàn quốc được gia hạn thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất với gói hỗ trợ lên tới 180.000 tỉ đồng.
Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng (trừ thuế giá trị gia tăng khâu nhập khẩu), thuế thu nhập DN trong 4 tháng (tháng 3, 4, 5, 6 và kỳ tính thuế quý 1, quý 2 năm 2020) đều được gia hạn với thời hạn là 5 tháng. Nghĩa là thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của kỳ tính thuế tháng 3 chậm nhất là ngày 20.9. Tương tự, thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng từ tháng 4, 5, 6 sẽ lần lượt là 20.10, 20.11, 20.12.
Đáng chú ý, đối với thuế thu nhập DN, sẽ gia hạn đối với số thuế còn phải nộp theo quyết toán của kỳ tính thuế năm 2019 và số thuế tạm nộp quý 1, quý 2 của kỳ tính thuế năm 2020 cho các đối tượng được quy định nêu trên. Thời gian gia hạn là 5 tháng. Đối với tiền thuê đất, gia hạn thời hạn nộp đối với số tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu năm 2020 của đối tượng đang được nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Thời gian gia hạn là 5 tháng, kể từ ngày 31.5 tới.
Để được hỗ trợ, người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất tới cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước ngày 30.7.
Anh Vũ 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.