"Phải cứu doanh nghiệp như cứu người"
Phát biểu ý kiến tại buổi họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra hôm 24.6, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho rằng ở thời điểm này, bên cạnh "chống dịch như chống giặc" thì còn phải "cứu doanh nghiệp như cứu người".
Hiện tỷ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam còn rất thấp và chưa thể mở cửa trở lại, nghĩa là doanh nghiệp còn phải cầm cự một thời gian nữa, trong khi vẫn có ví von về nghịch cảnh “doanh nghiệp khóc ròng, ngân hàng lãi khủng”, theo ông Cường.
"Tôi cho rằng hiện mức chênh của lãi suất huy động và cho vay còn lớn, cho người ta cảm giác ngân hàng còn nguồn lãi tiềm năng", Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân nói.
Mặc dù thừa nhận an toàn của hệ thống ngân hàng là quan trọng nhất, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro cho các nguồn nợ xấu tiềm tàng, thì sẽ không còn "lãi khủng", nhưng ông Cường vẫn cho rằng cần phải “xem lại” điều hành lãi suất để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp.
“Tôi cho là không nên duy trì chính sách tiền vốn rẻ, hỗ trợ tràn lan, dễ xảy ra dòng tiền chảy vào lĩnh vực không cần thiết. Nhưng Chính phủ cần đưa ra tiêu chí hỗ trợ lãi suất. Tất nhiên, không thể “bắt” các ngân hàng hỗ trợ, nhưng cần có chính sách để các ngân hàng cũng mong muốn tìm các doanh nghiệp tiềm năng để hỗ trợ", ông Cường đề nghị.
Theo đại biểu, các ngân hàng có thể hỗ trợ lãi suất cho các đối tượng cần ưu tiên đặc biệt do Chính phủ phân loại và được trừ vào nghĩa vụ nộp ngân sách. Cách làm này sẽ khiến ngân hàng “mạnh dạn” hỗ trợ doanh nghiệp và chính sách sẽ đi vào cuộc sống, chứ không như việc thực hiện Nghị quyết 62 thời gian qua.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Sinh, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, cũng đã đặt câu hỏi, trong hoàn cảnh doanh nghiệp đang "chết", trong đó có cả doanh nghiệp lớn, mà ngân hàng lãi "khủng" thì có "phản cảm" không, có cần điều chỉnh không, vì nếu doanh nghiệp chết, ngân hàng cũng không lấy gì mà sống, và ngân sách cũng chẳng có để thu.
Đã giảm lãi cho doanh nghiệp trên 16.000 tỉ đồng
Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngay từ khi dịch bắt đầu diễn ra, Ngân hàng Nhà nước đã có Thông tư 01 về giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp, “là cách dùng hệ thống tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp”.
Trong 6 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 257.602 khách hàng, với số tiền 336.663 tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 676.690 doanh nghiệp với số tiền hơn 1,277 triệu tỉ đồng.
“Tổng số lãi đã giảm bằng tiền cho doanh nghiệp là 12.978 tỉ. Từ đợt dịch thứ 4, chúng tôi đã chỉ đạo các ngân hàng, đặc biệt là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, đã giảm sơ bộ đến nay hơn 3.524 tỉ nữa là hơn 16.000 tỉ. Nếu không giảm thì doanh nghiệp sẽ phải trả số lãi này cho ngân hàng. Đây là con số rất thiết thực”, ông Tú lý giải.
Hỗ trợ doanh nghiệp là hàng đầu
Dù vậy, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, sau đợt dịch thứ 4 này, khả năng chống chịu của doanh nghiệp đã cạn, tiềm lực tích lũy được đã bị hơn 1 năm qua làm mai một, nay đã kiệt quệ. Đây là vấn đề mà Chính phủ rất quan tâm và ngành ngân hàng cũng “xác định thời gian tới, mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp vẫn là hàng đầu, phát huy hơn nữa vai trò của các ngân hàng thương mại nhà nước”.
Lý giải về chênh lệch lãi suất huy động và cho vay còn lớn, ông Tú cho biết, nếu nhìn đơn giản tại thời điểm hiện tại, có thể quan sát này đúng, nhưng điều hành lãi suất là “vấn đề điều hành vĩ mô khó nhất”, vì nó là giá cả tiền tệ trong quan hệ tín dụng.
Theo ông Tú, một số nước đã ồ ạt hạ lãi suất, ra nhiều gói hỗ trợ để phục hồi sau đại dịch, “nới lỏng quá” và hiện đang trả giá và lạm phát tăng, bất ổn vĩ mô xuất hiện.
“Việt Nam cũng đã có bài học, nên điều hành lãi suất chúng tôi chưa bao giờ tuyên bố thả nổi hay thắt chặt, mà luôn sử dụng từ “điều hành linh hoạt”. Tôi nói rất thật. Năm ngoái, chúng tôi hạ lãi suất 3 lần liền”, ông Tú nói và cho rằng, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động nếu có cao thì “chỉ ở một số doanh nghiệp”.
“Không phải chúng tôi quan liêu không nắm được thực trạng cho vay và huy động, để tạo ra lợi nhuận lớn cho ngân hàng thời gian vừa qua. Ngân hàng Nhà nước, ngay cá nhân tôi, khi đi họp Chính phủ, tôi cũng nói là phải siết rất chặt câu chuyện lợi nhuận của các ngân hàng. Đúng là năm ngoái một số ngân hàng lãi lớn, nhưng năm ngay sẽ bị điều tiết. Lợi nhuận quý 1, quý 2 mới là tạm tính, cuối năm sòng phẳng ra, trích lập dự phòng rủi ro, nộp thuế, thì lợi nhuận sẽ không được như công bố”, theo ông Tú.
Bình luận (0)