Đẩy mạnh nộp thuế, phí, tiền phạt qua mạng ở các thành phố lớn

15/02/2020 07:11 GMT+7

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định việc nộp thuế, phí qua mạng giúp người nộp thuế, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, thời gian.

Ngày 14.2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, cơ quan liên quan đến nội dung thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế và thu tiền xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nộp thuế, nộp phạt trực tuyến

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng tiếp tục chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực tư pháp trên Cổng DVCQG. Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), cho hay năm 2019, đăng ký khai sinh là trên 2 triệu trường hợp; trên 559.000 yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp; trên 710.000 hồ sơ thực hiện biện pháp đăng ký giao dịch bảo đảm. Việc thực hiện liên thông thủ tục hành chính đã góp phần đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí đi lại cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn có thể tiết giảm được đến mức tối đa chi phí thực hiện về thời gian, thành phần hồ sơ nếu được thực hiện thông qua Cổng DVCQG.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho biết với cả 3 dịch vụ: đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký khai sinh, cấp phiếu lý lịch tư pháp, Bộ Tư pháp đã triển khai trong thời gian qua và sơ bộ không có vướng mắc khi triển khai.
Tại cuộc họp, đại diện Cục Cảnh sát giao thông kiến nghị giai đoạn 1 từ ngày 12.3 triển khai thí điểm tại 5 địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Thuận và giai đoạn 2 từ tháng 6.2020 sẽ triển khai toàn quốc. Riêng với thủ tục thu lệ phí trước bạ, lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đề nghị giai đoạn 1 triển khai ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vì tỷ lệ đăng ký phương tiện giao thông ở đây là lớn nhất.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết việc nộp thuế điện tử đã triển khai được nhiều năm, đến nay đã có trên 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử. Về nội dung thu thuế cá nhân, nộp phí trước bạ, trong 2 năm nay Tổng cục Thuế đã tích cực phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ, Cục Đăng kiểm tiến hành chạy thử, liên thông, kết nối. Về cơ bản các cơ quan đều sẵn sàng kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQD) nhằm đem lại thuận lợi về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.
Trên thực tế, hiện nay cơ quan thuế đang triển khai ứng dụng nâng cấp các dịch vụ kê khai thuế qua mạng, không những hỗ trợ người nộp thuế mà trong bối cảnh hạn chế tụ tập do dịch Covid-19 vẫn đang có dấu hiệu lây lan, chưa có vắc xin chữa trị. Cụ thể như từ ngày 10.2, người nộp thuế trên địa bàn TP.HCM thực hiện khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng qua hệ thống dịch vụ thuế điện tử - eTax (http://thuedientu.gdt.gov.vn) thay thế cho các ứng dụng kê khai thuế qua mạng (http://kekhaithue.gdt.gov.vn) và nộp thuế thuế điện tử (http://nopthue.gdt.gov.vn).
Đại diện Cục Thuế TP.HCM cho hay tính nổi bật của dịch vụ thuế điện tử eTax là người nộp thuế có thể tiếp cận và quản lý tất cả các dịch vụ thuế điện tử trên một hệ thống duy nhất thay vì phải đăng nhập vào nhiều ứng dụng khác nhau như trước đây. Riêng đối với phần kê khai, quyết toán thuế thu nhập cá nhân hiện nay, Cục Thuế TP.HCM đang phối hợp với Tổng cục Thuế hoàn chỉnh phần mềm để triển khai trong vài ngày tới.

Đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt

Để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng DVCQG, cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương, cũng như hỗ trợ người dân đối phó Covid-2019, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia VN (NAPAS) vừa miễn giảm phí chuyển tiền. Cụ thể, miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực truyến (online) gồm các giao dịch thanh toán dịch vụ công thực hiện trên Cổng DVCQG, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương đến 31.12.2020; giảm 72% phí chuyển mạch các giao dịch chuyển tiền nhanh liên ngân hàng 24/7 đối với các giao dịch có giá trị nhỏ từ 500.000 đồng trở xuống, mức giảm từ 1.800 đồng/giao dịch xuống còn 500 đồng/giao dịch từ ngày 25.2.

Bà Nguyễn Tú Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị NAPAS)

Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều nhận định việc nộp thuế, phí qua mạng giúp người nộp thuế, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí in ấn, đi lại, thời gian. Đặc biệt những thông tin và số liệu khai thuế của doanh nghiệp hay cá nhân gửi đến cơ quan thuế một cách nhanh chóng, chính xác và đảm bảo, không sai sót, nhầm lẫn do phần mềm hỗ trợ kê khai thuế đã hỗ trợ tính toán, kiểm tra lỗi không cố ý khi khai thuế… Riêng việc khai thuế qua mạng còn giúp cơ quan thuế cải cách và hiện đại hóa ngành thuế. Đây cũng là giải pháp nhằm giảm tình trạng quá tải, áp lực cho các cơ quan thuế mỗi khi đến kỳ hạn nộp hồ sơ khai thuế; giảm thời gian, nhân lực tiếp nhận tờ khai, đặc biệt là giảm rất nhiều chi phí cho việc lưu trữ hồ sơ khai thuế cũng như tìm kiếm thông tin.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định việc áp dụng thanh toán trực tuyến đối với các loại thuế, lệ phí hay tiền phạt trong lĩnh vực giao thông là bước tiến theo đúng chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ hiện nay. Đồng thời điều này cũng góp phần rất lớn trong việc giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Từ đó cũng làm giảm được đội ngũ nhân sự liên quan trong các thủ tục nhận tiền, ghi biên lai…
Chẳng hạn như việc nộp phạt trong lĩnh vực giao thông, trước đây người vi phạm sau khi nhận quyết định xử phạt bằng văn bản phải ra kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng được kho bạc nhà nước ủy quyền để nộp phạt. Sau đó người vi phạm cầm biên lai thu tiền được kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng cấp quay lại đội/phòng cảnh sát giao thông đã ra quyết định xử phạt để nhận lại giấy tờ hoặc phương tiện bị tạm giữ.
“Hiện nay ở các thành phố lớn, nhiều người đã sử dụng các phương tiện thanh toán không tiền mặt như ví điện tử, chuyển khoản qua Internet Banking hay Mobile Banking. Do đó tôi cho rằng chủ trương này là đúng, thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong quá trình cải cách hành chính, tạo sự tiện lợi cho người dân. Hơn nữa, điều này cũng phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới vì nhiều nước đều đã thực hiện từ lâu. Việc thanh toán nhiều loại thuế, phí đã được áp dụng với doanh nghiệp thì với cá nhân càng dễ hơn vì ít chứng từ”, TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh.

Quản lý thuế, phí minh bạch hơn

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng đây là chủ trương đúng đắn và đồng bộ với chính sách thanh toán không dùng tiền mặt của nhà nước. Nhất là khi các yếu tố nền tảng đã đáp ứng. Điển hình như các ngân hàng, công ty trung gian thanh toán đã phát triển mạnh các phương tiện thanh toán điện tử. Tỷ lệ người dân tại VN sử dụng điện thoại thông minh đã phổ biến, không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Các ứng dụng thanh toán từ các ngân hàng hay công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán đều có sẵn và người dân cũng sử dụng nhiều vì nhanh chóng, tiện lợi.
Hơn nữa, theo TS Đinh Thế Hiển, giải pháp này cũng giúp công tác quản lý thuế, phí được minh bạch và chính xác. Từ đó sẽ giải tỏa được tâm lý của một số người dân xưa nay có băn khoăn không biết lệ phí đó có đúng do nhà nước quy định hay không; việc nộp phí hay tiền phạt có chảy về ngân sách nhà nước hay không…
“Việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế Việt Nam cần có những cú hích lớn để người dân nhanh chóng biết và sử dụng nhiều hơn. Trong đó các lĩnh vực dịch vụ công phải đi đầu để sớm thay thế cho thói quen sử dụng tiền mặt. Có thể vẫn còn những trục trặc trong giai đoạn đầu thực hiện nhưng cơ quan quản lý cần hỗ trợ tối đa cho người dân trong các trường hợp như thanh toán nhầm, sai để họ tự tin sử dụng. Tôi cho rằng vấn đề này không khó để thực hiện về vấn đề kỹ thuật mà cái khó là thói quen của nhiều người dân nên nếu Chính phủ quyết tâm thì sẽ áp dụng ngay và nhanh chóng triển khai trên toàn quốc”, TS Đinh Thế Hiển nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.