Văn phòng Chính phủ vừa phát đi chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Công an khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 15 năm 2014, quy định về đăng ký xe để đảm bảo việc triển khai thu lệ phí trước bạ trực tuyến và sử dụng chứng từ điện tử nộp lệ phí trước bạ trong đăng ký ô tô, xe gắn máy, hoàn thành trước ngày 15.2.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì cung cấp dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia đối với việc thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đồng thời, phối hợp Bộ GTVT thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực
giao thông đường bộ để làm cơ sở triển khai dịch vụ công đổi giấy phép lái xe mức độ 4 và kết nối, chia sẻ dữ liệu với ngành thuế để đảm bảo việc thu nộp lệ phí trước bạ trực tuyến.
Bộ
Tài chính được giao chủ trì để cung cấp dịch vụ khai, nộp lệ phí trước bạ đăng ký ô tô, xe gắn máy trên Cổng dịch vụ công quốc gia, hoàn thành trong quý 1/2020. Song song, Bộ GTVT chủ trì việc cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; xây dựng, tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với đổi giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thủ tướng yêu cầu các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trong quý 1/2020. Như vậy sau khi dịch vụ thu tiền nộp phạt trên Cổng dịch vụ công quốc gia hoàn thành, người sân vi phạm quy định về giao thông đường bộ có thể đóng tiền phạt trực tuyến mà không cần phải đến tận kho bạc địa phương - nơi bị lập biên bản - để nộp phạt như trước nay.
Là tài xế chuyên lái xe đường dài cho một nhà xe lớn tại TP.HCM, anh Huỳnh Vĩnh Khương (ngụ quận 7) tỏ ra vô cùng hào hứng khi đọc được thông tin này. Theo anh Khương, đối với các tài xế thường xuyên chạy chở hàng tuyến dài, nộp phạt giao thông là một trong những việc phiền phức nhất. Anh kể khoảng giữa năm 2019, trong khi chở hàng quay đầu từ TP.Nha Trang về TP.HCM, anh bị CSGT thổi phạt hơn 1 triệu đồng, giữ bằng lái vì chạy sai làn đường quy định. Sau đó, đến ngày hẹn, anh phải lấy xe nhà, chạy từ TP.HCM quay lại Nha Trang để đóng phạt, lấy bằng lái về. "Đi đi, về về tính ra hết cả triệu bạc tiền xăng xe, còn mất cả thời gian, công sức. Bảo sao nhiều người chấp nhận đóng phạt tại chỗ gấp đôi để khỏi phải mất công đi lại như thế. Nếu được đóng phạt trực tuyến thì tiện quá rồi. Bây giờ hầu hết mọi người cũng đều có tài khoản ngân hàng nên dễ hơn nhiều" - tài xế này nói.
Công khai, minh bạch, giảm tiêu cực
Thực tế, Nghị quyết 10 của Chính Phủ có hiệu lực từ ngày 4.2.2016 cho phép người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước, sau đó nhận lại giấy tờ bị tạm giữ chuyển qua bưu điện đến nhà. Theo đó, người vi phạm sẽ đăng ký với CSGT bằng cách ghi và ký vào mặt sau tờ biên bản vi phạm (bản CSGT lưu) để chuyển tới bưu điện. Sau đó, đến bưu cục gần nhất để nộp tiền, bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ bưu điện. Khi nhận được tiền nộp phạt, CSGT sẽ gửi chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người điều khiển phương tiện. Theo lý thuyết, tại các trung tâm tỉnh, thành phố, người vi phạm sẽ nhận lại giấy tờ trong vòng tối đa 2 ngày, đối với các huyện và tỉnh thành khác là 3 - 5 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian chờ đợi sẽ dài hơn.
LS Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM đánh giá dù cải tiến phương pháp nộp phạt qua bưu điện nhưng thủ tục và thời gian chờ đợi khá dài, bất cập, khó khăn cho người dân. Cũng chính vì sự không tiện lợi nên hầu hết mọi người bị phạt ở các tỉnh, thành xa nơi sinh sống thường chọn cách thương lượng với lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, hối lộ, phát sinh nhiều hình thức tiêu cực. Mức xử phạt theo quy định càng cao, mức hối lộ càng lớn, nhà nước thất thu, trong khi tình trạng vi phạm giao thông vẫn khó cải thiện do tâm lý "có thể thương lượng được". Do đó, hình thức đóng phạt trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia cần được triển khai nhanh chóng vì lợi ích của tất cả các bên.
Theo ông Hậu, ngoài tiện lợi cho người dân, nộp phạt trực tuyến còn giúp giảm tiêu cực vì không thu tiền mặt, cả người vi phạm và người phạt đều không còn cơ hội "ăn chia". Tiền phạt sau khi đưa về Cổng dịch vụ quốc gia sẽ được chuyển về kho bạc địa phương theo đúng thông tin nơi xử phạt, các tỉnh, thành vừa không lo mất ngân sách, vừa có thể giám sát hiệu quả công dân địa phương.
"Cả nước đang tiến lên, chuyển mình theo cuộc cách mạng công nghệ 4.0, lĩnh vực giao thông cũng không ngoại lệ. Số hóa, đưa công nghệ điện tử vào moị mặt của đời sống vừa rõ ràng, vừa lưu trữ tốt, tiết kiệm công sức, thời gian, tiền bạc và cũng hạn chế cơ quan công quyền lạm quyền khi được nắm trong tay quyền lực. Khâu hậu kiểm được thể hiện trên điện tử cũng dễ dàng, minh bạch hơn. Chứng cứ, hình ảnh, biên bản gửi thẳng lên Cổng thông tin điện tử, liên thông với CSGT tỉnh, thành phố, liên thông với kho bạc. Nếu đến hẹn mà người vi phạm không đóng phạt thì tính lãi, sau đó hạn chế quyền trong các quan hệ dân sự khác như không cho đăng kiểm, vô hiệu hóa bằng lái...
Các nước phát triển họ đều làm như vậy" - vị này gợi ý.
Bình luận (0)