ĐBSCL có thể mất hàng tỉ USD mỗi năm

11/11/2015 06:37 GMT+7

Đây là điều mà các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo “Thủy điện Mê Kông: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do Trung tâm con người và thiên nhiên cùng các đối tác tổ chức ngày 10.11, tại An Giang.

Đây là điều mà các chuyên gia cảnh báo tại hội thảo “Thủy điện Mê Kông: khoa học, chính sách và tiếng nói cộng đồng” do Trung tâm con người và thiên nhiên cùng các đối tác tổ chức ngày 10.11, tại An Giang.

Mở đầu bài trình bày bằng một thực tế khô hạn, xâm nhập mặn đang diễn ra ở ĐBSCL, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu Trường ĐH Cần Thơ, dẫn chứng: Năm nay ĐBSCL không có lũ. Mực nước cao nhất đo được thấp hơn trung bình nhiều năm, chỉ còn khoảng 65 - 70%. Một thực tế đáng lo ngại khác là xâm nhập mặn xảy ra ngay trong mùa mưa ở một số vùng ven biển cụ thể như Rạch Giá (Kiên Giang). Hiện nay, người dân đang vào vụ sản xuất lúa đông xuân nhưng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng.
Ngày 11.11, trong khuôn khổ chương trình là Diễn đàn Nhân dân Mê Kông lần thứ nhất. Đây là nơi tập hợp tiếng nói của người dân trong lưu vực nhằm tác động đến quá trình ra quyết định của các bên có liên quan.
“Chúng ta phải lưu ý rằng, sự thiếu hụt nguồn nước này có ảnh hưởng từ các đập thủy điện thượng nguồn phía Trung Quốc, bên cạnh nguyên nhân khách quan là lượng mưa ít hơn so với mọi năm. Như vậy giả sử toàn bộ các con đập này đều hoàn thành, gặp năm ít mưa như năm nay thì điều gì sẽ xảy ra? Các hồ thủy điện sẽ tích nước lại và ĐBSCL sẽ không còn nước cho sản xuất và cả sinh hoạt. Xâm nhập mặn sẽ vào nhiều (độ mặn cao) và vào sâu trong đất liền. Dòng sông không còn như tự nhiên vốn có mà trở thành một chuỗi liên hồ chứa. Các hồ này sẽ đóng mở cửa van theo nhu cầu bán điện cho thị trường. Có nghĩa là nó không còn tính liên tục mà bị gián đoạn. Mặn - ngọt xen kẽ không theo quy luật nên hệ sinh thái sẽ bị hủy hoại, người nông dân trồng trọt không được mà nuôi tôm cũng không xong”, TS Tuấn phân tích và cảnh báo: “Đây không phải là ví dụ hay nguy cơ tiềm tàng mà nó đã hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Trong tương lai nguồn nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn, tác động gián tiếp đến nguồn lợi thủy sản và phù sa. Chỉ tính riêng mức thiệt hại về nguồn lợi thủy sản tự nhiên, mỗi năm ĐBSCL có thể mất từ 500 triệu đến 1 tỉ USD”.
Bà Ame Trandem, đại diện Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) cho biết: Theo nghiên cứu của một đại học ở Mỹ năm 2011, thiệt hại của các con đập có thể cao gấp 10 lần những lợi ích mà nó mang lại. Thiệt hại dễ thấy nhất chính là nguồn lợi thủy sản, nguồn dinh dưỡng phục vụ cộng đồng.
“Trò cờ bạc trên dòng Mê Kông” là một khái niệm rất mới mà bà Ame đưa ra tại hội thảo. Bà cho biết Trung Quốc đã xây dựng xong 6/8 dự án thủy điện ở thượng nguồn. Phía hạ nguồn có 9 dự án ở Lào và 2 dự án ở Campuchia. Ở khu vực hạ nguồn, Ủy hội sông Mê Kông được thành lập với ý tưởng để các quốc gia trong lưu vực cùng bảo vệ và quản lý tốt hơn dòng Mê Kông. Tuy nhiên, năm 2012 Lào đã khởi công xây dựng dự án thủy điện Xayaburi mà không có sự đồng thuận của các quốc gia liên quan, dù dự án này có rất nhiều báo cáo nghiên cứu về thiệt hại có thể có với người dân lưu vực. “Họ mang dòng sông Mê Kông ra thử nghiệm. Đây là cách tiếp cận không có gì chắc chắn. Đó là một trò cờ bạc đối với dòng Mê Kông. Chuyện gì sẽ xảy ra với những thử nghiệm đó? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại có thể xảy ra? Và ai sẽ là người đền bù những thiệt hại đó?”, bà Ame Trandem nêu hàng loạt câu hỏi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.