Đi máy bay cũng khổ: Cải thiện hạ tầng để giảm chậm chuyến

13/03/2018 06:25 GMT+7

Không chỉ khách hàng chịu thiệt, mà cả các hãng hàng không cũng gặp rất nhiều khó khăn đằng sau mỗi chuyến bay trễ giờ.

“Kẹt” hạ tầng
Trước nhiều phản ánh của hành khách về tình trạng lên đến máy bay vẫn bị delay, đại diện một hãng hàng không phản hồi: việc máy bay phải chờ đợi trên đường băng và khách hàng phải ngồi chờ trên máy bay là nỗi khổ không chỉ với hành khách mà với cả các hãng hàng không. Đó là vì mỗi phút đợi trên đường băng, hãng sẽ tốn vài trăm USD/máy bay chi phí cho nhiên liệu, tổ bay, chưa kể đến các chi phí ảnh hưởng tới các chuyến bay tiếp theo của máy bay. Tuy nhiên, trong trường hợp máy bay đã ra đường lăn, nhưng vẫn phải chờ đến nửa tiếng mới cất cánh được, nguyên nhân còn đến từ điều phối mặt đất, do sân bay quá đông phải chờ “xếp lốt” tới lượt cất, hạ cánh…
“Bên cạnh đó, khi hãng hàng không dự đoán được thời gian thay đổi của chuyến bay thì đã tổ chức gọi điện, nhắn tin cho khách để khách không phải ra sân bay chờ đợi lâu, gây bất tiện cho hành khách đồng thời quá tải sân bay. Bản thân việc thông báo này cũng khiến hãng phải đầu tư chi phí và nhân lực để thực hiện”, vị này nói.
Một chuyên gia về hàng không phân tích để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của hành khách, các hãng hàng không đã phải tăng tối đa số lượng chuyến bay 1 ngày, đặc biệt trong các dịp cao điểm. Đơn cử như dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, hơn 3.000 chuyến bay tăng cường đã được đưa vào khai thác, số lượt cất - hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất đạt gần 26.300 lượt/chuyến trong những ngày cao điểm. Mặc dù sân bay đã bố trí thêm 18 vị trí đậu máy bay nhưng tình trạng “kẹt” chỗ vẫn không thể tránh khỏi.
“Sân bay chỉ đáp ứng được từng đấy máy bay đỗ, tăng thêm chuyến thì phải chờ đợi là điều đương nhiên. Khi đáp được xuống rồi, đôi khi máy bay chờ đường lăn, chờ bãi đậu để được vào cũng mất 10 - 15 phút. Tổng cộng nếu một chuyến bay không may mắn, chỉ vì “đường đông” đã có thể trễ tới 30 - 45 phút. Chỉ cần một chuyến chậm là cả loạt sau chậm theo”, vị này phân tích.
Một trong những nguyên nhân làm trễ chuyến bay chính là kỹ thuật. Hỏng một cái đèn, một vết cắt nhỏ trên lốp, một hệ thống rất nhỏ trong hàng chục hệ thống của máy bay báo lỗi là máy bay không được phép bay tiếp.
“Với hàng không, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Muốn đảm bảo máy bay đúng giờ, phải giải quyết từ cơ sở hạ tầng đến một loạt khâu như kiểm tra máy bay, thời gian làm thủ tục ở sân bay, người lái... Thúc giục, đòi hỏi đúng giờ khiến các công đoạn bị làm chóng vánh, qua loa gây sai sót thì hậu quả còn khó lường hơn rất nhiều”, vị này cảnh báo.
Hệ thống điều phối hạn chế chậm chuyến
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, cho biết để giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không đã chỉ đạo Tổng công ty cảng hàng không VN (ACV), Tổng công ty quản lý bay VN (VATM) và các hãng hàng không, nhà cung ứng dịch vụ sân bay triển khai hệ thống phối hợp ra quyết định tại sân bay (A-CDM). Chương trình sẽ được thực hiện ngay trong đầu năm 2018 và từng bước hoàn thành trong năm 2020. Đây là hệ thống điều phối đang được nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới triển khai, đặc biệt là Singapore, Hồng Kông thực hiện thành công, mang lại hiệu quả lớn.
Cụ thể, với hệ thống A-CDM, một cơ quan sẽ đứng ra điều phối (dự kiến giao cho VATM chủ trì), ra quyết định ngay tại sân bay phù hợp với điều kiện thực tế, thay vì phải chờ xin ý kiến các cơ quan liên quan.
Ngoài ra, Cục Hàng không cũng rà soát các quy định, các phương án đảm bảo an ninh hàng không của ACV, các hãng hàng không, doanh nghiệp hàng không, cung ứng dịch vụ không lưu... Trong đó, ACV sẽ phải đầu tư nâng cấp trang thiết bị an ninh, cơ sở hạ tầng đầy đủ theo quy định, hạn chế tối đa các vụ việc vi phạm an ninh hàng không. “Cục Hàng không sẽ cương quyết chỉ đạo và áp dụng chế tài với các đơn vị chưa hoàn thiện các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không”, ông Thắng cho biết.
Bên cạnh việc cải thiện cơ sở hạ tầng, luật sư Phạm Hoài Nam, Hãng luật Bến Nghé - Sài Gòn, cho rằng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT, Cục Hàng không, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan cần có chế tài xử phạt đối với các hãng hàng không thường xuyên trễ giờ, thanh tra, kiểm tra sát sao vấn đề bồi thường, hỗ trợ hành khách bị chậm chuyến. Bản thân hành khách có thể ủy quyền cho các hội, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo tối đa quyền lợi của mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.