Điện thoại di động bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt?

08/05/2019 06:48 GMT+7

Điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ là những mặt hàng đang được đề xuất tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thu nhập khá mới dùng điện thoại?

Tại văn bản góp ý lên Bộ Tài chính góp ý đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn nguồn thu ngân sách nhà nước, UBND TP.HCM kiến nghị nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số hàng hóa, dịch vụ như điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.
Ở thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, một người không có điện thoại để liên lạc thì cũng lạ. Ý tôi muốn nói, cái điện thoại là vật dụng phổ biến trong đời sống. Còn nước hoa, mỹ phẩm, thẩm mỹ là những hàng hóa làm đẹp cho con người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, tính thuế TTĐB làm gì?
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH luật Việt Á
Theo đơn vị đề xuất, nước hoa và dịch vụ thẩm mỹ thuộc nhóm khá cao cấp, qua đó giúp mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ còn lại trong đề xuất trên, tuy không phải là hàng hóa, dịch vụ cao cấp song cũng không phải là hàng hóa, dịch vụ rất thiết yếu, cần phải đưa vào diện chịu thuế TTĐB để hướng dẫn sản xuất và tiêu thụ hợp lý. Trong đó điện thoại di động, tuy là hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc, nhưng đưa vào diện chịu thuế TTĐB để điều tiết thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ khá trở lên, có nhu cầu và khả năng thu nhập thường xuyên sử dụng các sản phẩm thế hệ mới.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho rằng đề xuất này là không phù hợp. Điện thoại là phương tiện sử dụng thiết yếu của người dân, dùng để liên lạc với nhau. Hơn nữa, khi công nghệ ngày càng phát triển, nhiều chiếc điện thoại thông minh (smartphone) ra đời cũng đã thúc đẩy xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội ngày càng tăng lên. Nhiều người dùng smartphone cho các hoạt động mua hàng hóa, chuyển khoản hàng hóa, dịch vụ hằng ngày. Các ngân hàng thương mại trong nước tạo ra các dịch vụ ngân hàng số, những ứng dụng để khách hàng sử dụng trên smartphone. Nếu chỉ nghĩ đến việc đánh thuế TTĐB đối với điện thoại thu được ít tiền thuế từ mặt hàng này mà bỏ qua chủ trương lớn khuyến khích, hỗ trợ người dân thanh toán không dùng tiền mặt thì cần xem xét lại. Đó là chưa kể, khi các giao dịch mua bán trong xã hội được thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan thuế đã có thể kiểm soát được doanh thu từ các hoạt động kinh doanh, từ đó thu thuế nhiều hơn.
Smartphone đóng vai trò quan trọng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt Ảnh: N.Dương
Smartphone đóng vai trò quan trọng trong việc thanh toán không dùng tiền mặt Ảnh: N.Dương
Ông Trần Xoa cho rằng thuế TTĐB nhằm điều tiết sản xuất, tiêu dùng trong nước. Mức thuế TTĐB của các hàng hóa, dịch vụ hiện nay từ 5 - 150%, nếu tính thuế sẽ đẩy giá tăng lên cao. Điện thoại, mỹ phẩm, nước hoa bị đánh thuế sẽ tìm cách đi theo con đường không chính thống, hàng lậu tăng cao. Ông dẫn chứng là giá hàng điện thoại iPhone của những cửa hàng phân phối chính thức hiện cao hơn đối với những cửa hàng nói là xách tay bên ngoài từ 4 - 5 triệu đồng/chiếc.
Ngoài ra, việc đánh thuế TTĐB đối với điện thoại di động có thể tạo thêm khó khăn cho chủ trương đến năm 2020 hầu hết người dân VN sẽ sử dụng smartphone. Tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý 1/2019, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo Cục Viễn thông xây dựng một chiến lược mới cho việc phát triển ngành viễn thông để nâng cao thứ hạng của VN trên bản đồ thế giới, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 hầu hết người dân VN sẽ sử dụng smartphone. Chính sách “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Hạn chế làm đẹp, lắp camera?

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH luật Việt Á, cho rằng thuế TTĐB thường đánh vào những mặt hàng không khuyến khích có hại cho sức khỏe (như thuốc lá, bia rượu ...) hoặc những hàng hóa xa xỉ. Trong khi điện thoại, mỹ phẩm, nước hoa, thẩm mỹ là những hàng hóa, dịch vụ cần trong cuộc sống thì không nên tính thuế TTĐB.
“Đúng là có những chiếc điện thoại vài chục triệu đồng nhưng cũng có những chiếc điện thoại chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Tuy nhiên ở thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, một người không có điện thoại để liên lạc thì cũng lạ. Ý tôi muốn nói, cái điện thoại là vật dụng phổ biến trong đời sống. Còn nước hoa, mỹ phẩm, thẩm mỹ là những hàng hóa làm đẹp cho con người, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, tính thuế TTĐB làm gì?”, ông Tuấn đặt câu hỏi và cho rằng không nên đánh thuế những hàng hóa, dịch vụ này để tăng tính nhân văn. Thực tế, người tiêu dùng hiện nay vẫn đang trả thuế giá trị gia tăng cho điện thoại, mỹ phẩm... thuế suất 10%.
Đồng quan điểm, LS Trần Xoa nói thẳng: Dịch vụ thẩm mỹ, nước hoa, mỹ phẩm làm cho cuộc sống con người thêm tốt đẹp hơn chứ có gây hại đâu mà hạn chế, mà không khuyến khích. “Người xấu muốn thẩm mỹ để tự tin hơn trong cuộc sống mà đánh thuế TTĐB để hạn chế thì không nên”, vị này nói.
Tỏ ra ngạc nhiên với đề xuất đánh thuế TTĐB đối với camera, LS Trần Xoa cho rằng lẽ ra chính sách thuế cần khuyến khích người dân lắp đặt camera, nhà nhà lắp đặt camera để chống trộm, tệ nạn xã hội. Đây cũng là thiết bị hỗ trợ cho lực lượng công an thu thập các bằng chứng, tại sao lại đề xuất đánh thuế?
Xếp chung điện thoại, nước hoa với rượu, bia là khiên cưỡng TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật R&T LCT, tỏ ra khó hiểu trước đề xuất của TP.HCM.
“Mục tiêu của kiến nghị từ UBND TP.HCM có thể hiểu hướng đến mục tiêu chống “xói mòn”. Nếu đúng vậy, thì việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB không có ý nghĩa chống “xói mòn” nguồn thu (hiểu theo nghĩa nguồn thu ngân sách không được thu đủ và chi đúng), mà là một phương án khác của tận thu cho ngân sách. Còn việc suy đoán một số mặt hàng như điện thoại, mỹ phẩm, dịch vụ thẩm mỹ... là không thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ có tính thiết yếu cho người tiêu dùng, nên cần xếp vào nhóm chịu thuế TTĐB cao, nghĩa là không khuyến khích sản xuất, cung ứng, tiêu dùng, thì tôi nghĩ cũng là ý kiến võ đoán, đơn phương của cơ quan quản lý nhà nước”, vị này băn khoăn.
TS-LS Châu Huy Quang nhấn mạnh: Việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB, cũng cần xét tác động trực tiếp, có tính định hướng sản xuất, tiêu dùng, mặt khác cũng có tính đến việc điều tiết hợp lý nguồn thu nhập của người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc “võ đoán” những mặt hàng hóa, dịch vụ này không quá quan trọng với người dân, ai sử dụng cũng thuộc nhóm đối tượng có thu nhập cao, có khả năng nộp thuế thì chưa hợp lý. Nhìn vào danh mục hàng hóa chịu thuế TTĐB theo luật Thuế hiện hành, có thể thấy các loại hàng hóa, dịch vụ thuộc nhóm này thường thuộc nhóm không phải “nhu yếu phẩm” và nhóm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, sinh thái, môi trường, văn hóa - giáo dục (rượu, bia, thuốc lá, vàng mã, máy bay, du thuyền). Đề xuất đưa vào danh mục này như dịch vụ thẩm mỹ, điện thoại, nước hoa xếp chung nhóm hàng hóa, dịch vụ trên thì không thuyết phục...
“Trong bối cảnh kinh tế xã hội phát triển như hiện nay, việc tiêu thụ loại hàng hóa dịch vụ này cũng thành thông thường, gắn liền nhu cầu thường nhật trong đời sống sinh hoạt của người dân. Do vậy, dùng việc đề xuất biện pháp hành chính hay đánh thuế như một “chế tài tài chính” để hạn chế việc sử dụng các loại dịch vụ hàng hóa này, tôi e ngại là chính sách dễ bị khiên cưỡng, không tạo được sự đồng thuận của doanh nghiệp, nhà sản xuất và của người tiêu dùng”, luật sư Châu Huy Quang phân tích.
Ngoài ra, vị tiến sĩ này cũng lưu ý rằng thuế TTĐB cũng là một phần cam kết của VN khi gia nhập WTO, VN phải bảo đảm chính sách thuế này phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số nước phát triển như Singapore, Mỹ, Canada... xem những hàng hóa, dịch vụ này là thông thường, thiết yếu, chứ không phải thuộc diện hạn chế chịu thuế TTĐB. Vì vậy, cần thận trọng khi kiến nghị, đề xuất.
Quy định 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB trong luật Thuế hiện hành là đủ và phù hợp, nếu chưa nói là vẫn có phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện, gây khó khăn cho dân doanh, nhà sản xuất, người tiêu dùng. Việc chống “xói mòn” ngân sách là liên quan mật thiết đến việc chống thất thu ngân sách theo chính sách thuế hiện hữu, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn chi ngân sách, chống tham ô, thất thoát trong chi tiêu ngân sách, hơn là mở rộng đối tượng nộp thuế TTĐB theo hướng tận thu. TS Châu Huy Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.