Theo dự báo giữa tháng 3, thiệt hại của ngành hàng không Việt Nam lên tới 30.000 tỉ đồng. Nhưng với những động thái mới nhất cắt giảm phần lớn đường bay nội địa, đặc biệt đường bay trục Hà Nội - TP.HCM, thiệt hại của các hãng tới hết tháng 3 có thể tăng gấp đôi con số này.
Trung tâm hàng không châu Á - Thái Bình Dương (CAPA) ước tính, đến cuối tháng 5, hầu hết các hãng hàng không sẽ phá sản nếu không nhận được các nguồn trợ lực từ các quốc gia. Mới đây, Bộ GTVT đã đề xuất một số giải pháp, như áp dụng chính sách giảm 50% giá cất, hạ cánh và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến với các chuyến bay nội địa, giảm giá 0 đồng với các dịch vụ chuyên ngành thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá trong 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5).
Theo các hãng hàng không, mức giảm này dù khá tích cực nhưng chưa thấm vào đâu so với thiệt hại hiện tại của các hãng, đặc biệt thời gian hỗ trợ quá ngắn, chỉ trong 3 tháng. Ngay cả khi dịch kết thúc, các hãng vẫn cần thêm tối thiểu 3 - 6 tháng để phục hồi.
Theo quy định tại Thông tư 53/2019 của Bộ GTVT, các hãng hàng không đang chịu 16 loại chi phí dịch vụ tại cảng. Vietnam Airlines (gồm cả Jetstar Pacific và Vasco), Vietjet Air, Bamboo Airways năm 2019 đã nộp khoảng 12.700 tỉ đồng các loại phí trực tiếp và gián tiếp. Tuy nhiên, nếu giảm về 0 đồng với 11/16 loại phí do nhà nước quy định khung giá như đề xuất của Bộ GTVT, các hãng chỉ giảm được khoảng vài trăm tỉ đồng, không thấm vào đâu so với thiệt hại dự kiến.
|
Đây là lý do các hãng hàng không đề xuất giảm 50% với cả 2 loại phí trên trong cả năm 2020. Ngoài ra, để kích cầu đi lại của người dân khi thị trường phục hồi, việc miễn phí phục vụ hành khách với chuyến bay nội địa (hiện thu từ 70.000 - 110.000 đồng/người) và giảm 50% với các chuyến bay quốc tế trong 12 tháng rất cần thiết.
Nên “đóng băng” thuế, phí?
Hiện, thuế bảo vệ môi trường được thu cố định 3.000 đồng/lít xăng, dù xăng giảm giá sâu tới đâu, mức thuế này vẫn được giữ nguyên. Đại diện một hãng hàng không cho biết, với các máy bay thân rộng như A350, B787, một chặng bay Hà Nội - TP.HCM hết từ 7.000 - 9.000 lít xăng. Chi phí xăng dầu chiếm từ 30 - 40% chi phí của các hãng hàng không. Trong 10.000 tỉ đồng thuế mà ngành hàng không nộp ngân sách năm 2019, riêng thuế bảo vệ môi trường đã chiếm gần 50%.
Nhiều nước đã có các gói hỗ trợ cụ thể cho hàng không trong đại dịch Covid-19, như Thái Lan cắt giảm hơn 90% thuế bảo vệ môi trường. Bộ GTVT cũng đã đề xuất giảm 50% thuế nhập khẩu nhiên liệu và bảo vệ môi trường trong 3 tháng cho hãng bay, trường hợp bố trí được ngân sách thì miễn trong 3 tháng. Trong trường hợp đề xuất này được Chính phủ thông qua, các hãng sẽ tiết giảm chi phí được từ 600 tỉ đồng hoặc 1.200 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh ngành hàng không đang đóng băng gần như mọi hoạt động vì dịch bệnh, thì thuế, phí áp lên ngành này cũng nên được đóng băng. “Trong thời điểm này, không nên tính các loại thuế, phí đang áp lên các hãng mà nên đóng băng toàn bộ thuế, phí qua đợt dịch, thậm chí là hết năm nay. Đó cũng là cách để trợ lực, giúp cho ngành hàng không hồi phục qua đại dịch, vì tình cảnh như hiện nay rất bi đát rồi”, TS Ánh chia sẻ.
Cùng quan điểm này, theo PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính), thuế chiếm tỷ trọng quá cao trong chi phí nhiên liệu bay. Ông Long cho rằng, không phải ngẫu nhiên Chính phủ nhiều nước chi các gói rất lớn, ưu tiên giải cứu hàng không do khủng hoảng vì dịch Covid-19.
“Bộ Tài chính nên xem xét lại chính sách hỗ trợ và Chính phủ cần miễn, giảm, giãn nộp các loại thuế, phí, trong đó có thuế bảo vệ môi trường để hỗ trợ hàng không giảm bớt khó khăn,’ ông Long nhìn nhận.
Bình luận (0)