Doanh nghiệp bất động sản 'bỏ phố về quê'

Đình Sơn
Đình Sơn
31/03/2019 18:06 GMT+7

Thị trường bất động sản TP.HCM rơi vào tình cảnh khó khăn khi chính quyền siết lại các thủ tục hành chính khiến nhiều doanh nghiệp dạt về vùng “quê” để phát triển dự án.

"Tháo chạy" khỏi TP.HCM

Mới đây tại sự kiện đại hội đồng cổ công thường niên, ông Bùi Quang Anh Vũ, Phó tổng giám đốc đầu tư Công ty Phát Đạt (PDR), cho biết mục tiêu công ty phát triển quỹ đất trên 400 ha. PDR mở rộng thị trường sang các thành phố loại 2 ven biển - nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PDR  nhận xét, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Quốc là những thị trường bất động sản rất tốt. PDR có chiến lược mới là tập trung thị trường miền Trung, có pháp lý hoàn chỉnh để có thể đưa sản phẩm ra thị trường liền. “Thực tế ở thị trường TP.HCM đang hơi khó khăn về pháp lý. Lợi thế của PDR là người miền Trung, nên phát huy được ở thị trường mới. Dự kiến ngày 1.4, công ty sẽ tham gia một khu đất ở Bình Định. Vài tuần nữa sẽ có ở Quảng Nam, Đà Nẵng - thị trường đang có nhiều khu để đầu tư, dự án phân lô bán nền ở đây đang rất tốt”, ông Đạt cho hay.
Tập đoàn Nam Long cũng cho biết trong năm 2019, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai hơn 400 ha quỹ đất sạch sẵn có, Nam Long sẽ mở rộng thị trường ra phía bắc và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hơn 200 ha quỹ đất. Các khu đô thị mới của Nam Long có quy mô từ 20 - 200 ha và đều là những quỹ đất sạch tập trung tại TP.HCM, Đồng Nai, Long An, Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Tập đoàn Novaland sau một thời gian dài thành công ở thị trường bất động sản TP.HCM, thì trong năm 2019 cũng đã bắt đầu dạt ra các tỉnh thành lân cận để đầu tư, phát triển dự án như Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là các khu đô thị với đầy đủ các tiện ích khép kín, trong đó có cả sân golf, khu vui chơi, vườn thú hoang dã...
Trong các năm qua, Tập đoàn Hưng Thịnh hoạt động mạnh ở thị trường bất động sản TP.HCM. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Hưng Thịnh đã bán ra thị trường khoảng 6.000 sản phẩm tại TP này. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Hưng Thịnh chưa mở bán thêm được dự án nào mới. Để duy trì hệ thống, dự kiến đầu tháng 4 này Hưng Thịnh sẽ tung dự án mới tại TP.Quy Nhơn, Bình Định. Dự án có quy mô khoảng 70 ha gồm căn hộ chung cư, nhà phố, trung tâm thương mại... Đây là một trong 3 khu đô thị mà Công ty Hưng Thịnh đầu tư tại Bình Định.
Ách tắc về thủ tục hành chính, khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn Sơn Sơn

Mọi thứ bị đình trệ

Mới đây tại buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, nói rằng thị trường bất động sản những tháng gần đây đáng lo ngại khi mà số lượng các dự án nhà ở được cấp phép xây dựng giảm 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án đủ điều kiện bán hàng cũng giảm sâu. “Hiện nay các dự án nhà ở thương mại có 3 vướng mắc. Thứ nhất là lựa chọn chủ đầu tư. Thứ 2 là chuyển mục đích sử dụng đất và thứ 3 là cấp phép xây dựng. Do vậy nếu không có giải pháp tháo gỡ, sẽ khó khăn hơn nữa”, ông Tuấn cho hay.
Theo một đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP, do thị trường bất động sản khó khăn nên nguồn thu ngân sách TP đối với tiền sử dụng đất 2 tháng đầu năm 2019 giảm đến 76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng nợ thuế trong 2 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn TP lên đến 10.110 tỉ đồng, tăng 13,5% so với thời điểm 31.12.2018. Hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản bị ngưng trệ, nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm nay vẫn chưa được giải quyết xong. Sở này gần như không nhận hồ sơ đề nghị tính tiền sử dụng đất nào của doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cũng cho hay những tháng đầu năm 2019 thị trường bất động sản bị ách tắc do hồ sơ pháp lý không được giải quyết. Điều này dẫn đến sụt giảm nguồn cung. Trong khi các chi phí khác bị đội lên. Điều này khiến doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Thu ngân sách từ đất cũng giảm mạnh.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo các sở ngành phải giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nếu thuộc thẩm quyền của UBND TP, TP sẽ giải quyết. Nếu thuộc thẩm quyền bộ ngành trung ương thì TP kiến nghị giải quyết. Sắp tới, UBND TP sẽ phê duyệt quy chế phối hợp giữa các sở ngành với nhau, tiếp đến là sở ngành với doanh nghiệp để việc giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp được thông thoáng, nhanh chóng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.