Doanh nghiệp cần minh bạch thông tin với báo chí

Đình Sơn
Đình Sơn
24/07/2019 07:26 GMT+7

Đó là ý kiến của một số diễn giả chia sẻ tại hội thảo Truyền thông và thương hiệu doanh nghiệp (DN) thời đại số , do Báo Tiền Phong tổ chức tại TP.HCM ngày 23.7.

Theo ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn TP có 30 cơ quan báo chí đang hoạt động, trong đó có 11 cơ quan báo chí có phiên bản điện tử. Ngoài ra, có 161 cơ quan báo chí của T.Ư và địa phương khác đã đăng ký hoạt động trên địa bàn. Ông Từ Lương cho biết hiện nay có một số cơ quan tạp chí T.Ư chưa đăng ký hoạt động trên địa bàn TP, đang trong diện rà soát để quản lý.
Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong, cho rằng hiện nay DN đều bị ám ảnh việc xử lý khủng hoảng. DN xây dựng được chiến lược quản trị thương hiệu gồm xây dựng hình ảnh ngay từ đầu nhưng quan trọng là phải làm tốt, chứ chỉ xây dựng hình ảnh đẹp trên mạng thì cũng sẽ sụp đổ nhanh chóng. Khi xảy ra khủng hoảng, DN thường tìm cách “bịt” lại, nhưng liệu cách làm đó có hiệu quả? Những người làm lãnh đạo cơ quan truyền thông hằng ngày đều nhận được những cú điện thoại nhờ “bóc, gỡ” bài...
Một số DN còn nhạy cảm đến mức không muốn có bất cứ từ khóa bất lợi nào trên mạng. Tuy nhiên, chiến lược là phải đối diện, cầu thị khi bị khủng hoảng.
Đề cập đến vấn đề tin đồn đối với DN, theo nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN, nhà báo luôn phải tỉnh táo giải mã các hiện tượng tin đồn, nhất là những thông tin trên mạng xã hội gây bất lợi cho các DN. Hiện nay, tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội đã đặt ra cho các cơ quan báo chí phải có trách nhiệm xử lý tin đồn trước khi đăng tải. Thực tế cho thấy, nhiều thông tin chưa được kiểm chứng được “chính thống hóa” trên báo chí, không chỉ gây hoang mang đối với công chúng mà còn gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN là “nạn nhân” của tin đồn. Để tránh thông tin không chính xác, DN cần minh bạch thông tin, sử dụng hiệu quả kênh báo chí truyền thông chính thống. Không nên tìm cách gỡ tin, bài mà cần hợp tác, lắng nghe. Đối với nhà báo, cơ quan báo chí cần quan sát một cách toàn diện, lắng nghe các ý kiến đa chiều, không thể chỉ nghe ý kiến của một bên; không tưởng tượng chủ quan, giữ bí mật nguồn tin; không phát tán tin đồn và kiên trì nguyên tắc kiểm chứng.
Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông), cho rằng báo chí và DN cần sự hỗ trợ lẫn nhau. DN lựa chọn báo chí là kênh truyền thông có tính chiến lược, bởi mạng xã hội chỉ để mọi người biết, còn báo chí để người ta tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.