Công khai minh bạch thông tin dự án hạ tầng

09/05/2019 06:49 GMT+7

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giao thông, hạ tầng, trong đó mấu chốt là đảm bảo công khai, minh bạch mọi thông tin của dự án.

Trong khuôn khổ hội nghị, tại phiên thảo luận xúc tiến đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng, nhiều doanh nghiệp (DN) bày tỏ nguyện vọng muốn tham gia đầu tư, thậm chí xin bỏ ra hoàn toàn chi phí để thực hiện các dự án giao thông, hạ tầng cho TP.HCM.
Ông Đào Minh Lĩnh, đại diện của liên danh Tập đoàn Đông Đô - Bộ Quốc phòng - Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Đắc Nông, cho biết đơn vị này đang muốn nghiên cứu thực hiện dự án đường Trần Đại Nghĩa (từ nút giao với QL1 đến ranh tỉnh Long An) nhưng vẫn chưa rõ hình thức đầu tư và quy trình tiến hành thủ tục triển khai hồ sơ.
Tương tự, ông Đào Công Tuấn, đại diện Tập đoàn T&T, bày tỏ DN đang rất quan tâm đến 7 dự án nạo vét kênh rạch của Q.9 và Q.2 và đề nghị TP cung cấp những hồ sơ về tất cả thông tin liên quan đến dự án, bao gồm cả vấn đề giải phóng mặt bằng. “Chúng tôi cam kết sẵn sàng ứng tiền trước để đẩy nhanh các dự án này. Nhân hội nghị hôm nay, chúng tôi cũng đề nghị có một cuộc hẹn với cơ quan chức năng liên quan, cơ quan trực tiếp triển khai giải quyết các vấn đề trên để nhanh chóng có lộ trình rõ ràng, bắt tay vào thực hiện dự án”, vị này đề xuất.
Trả lời ý kiến của các DN, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết đối với các dự án đường vành đai, đường cao tốc trên địa bàn TP hiện nay đa phần được triển khai theo hình thức BOT, sau đó kết hợp các hình thức BLT hoặc BT. Đối với mạng lưới đường đô thị, các tuyến đường nằm trong danh mục dự án kêu gọi đầu tư, TP chủ trương khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP, không dùng vốn ngân sách TP.
Tuy nhiên, các dự án đầu tư theo hình thức BT hiện TP đang phải rà soát lại quỹ đất và chờ nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Do đó, phương án khả thi nhất đối với dự án mở rộng đường Trần Đại Nghĩa hiện nay là hình thức BLT. Trình tự thủ tục, cách thức đề xuất đã được quy định rõ trong Nghị định 63 của Chính phủ, Sở GTVT sẽ trao đổi trực tiếp với DN có nhu cầu để thực hiện xúc tiến dự án. “Đối với các dự án nạo vét kênh rạch kết hợp chỉnh trang đô thị dọc hai bên, công tác giải phóng mặt bằng khối lượng rất lớn. Sau khi dự án được duyệt, có NĐT và nguồn vốn cụ thể, Sở GTVT mới có thể xúc tiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. NĐT quan tâm dự án nào, liên hệ Sở GTVT sẽ cung cấp hồ sơ, đặc biệt là các dự án đã có phương án nghiên cứu tiền khả thi”, ông Lâm nói.
Sau khi lắng nghe ý kiến, đề xuất của các DN, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định TP sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào lĩnh vực giao thông, hạ tầng, trong đó mấu chốt là đảm bảo công khai, minh bạch mọi thông tin của dự án. TP hiện triển khai xây dựng một app (ứng dụng) nhằm công bố thông tin tất cả dự án, cập nhật chi tiết từ tiến độ đến các khó khăn của từng dự án để người dân, DN nắm thông tin và cũng để TP kịp thời giải quyết tháo gỡ các vướng mắc.
"TP đảm bảo công khai, minh bạch tất cả phương thức đầu tư tại các dự án. Kể cả những khâu đơn giản nhất như chọn vật liệu cũng sẽ đấu thầu công khai. Đầu mối, phương thức cụ thể cho từng dự án cũng sẽ được thông tin rộng rãi ngay từ khi bắt đầu xin chủ trương thông qua việc ứng dụng công nghệ điện tử để các nhà đầu tư tham gia được biết. Không để tình trạng nhà đầu tư phải chạy chỗ nọ, liên lạc, xin gặp chỗ kia mới biết thông tin dự án", ông Tuyến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.