Doanh nghiệp khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp

07/07/2020 06:23 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ dù gặp khó khăn vì dịch Covid-19 . Điều này kéo theo tăng trưởng tín dụng sau nửa năm chỉ đạt 1/3 chỉ tiêu cả năm.

Gói hỗ trợ vẫn xa vời

Ông Phùng Đình Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH may Bình Hòa (TP.HCM), chia sẻ trong gần 2 tháng qua, dù đã làm đơn xin được hoãn đóng các loại phí bảo hiểm nhưng không được vì “chưa đáp ứng đủ điều kiện”. Cụ thể, công ty vẫn liên tục hoạt động và cố gắng chỉ cho nghỉ khoảng 20% công nhân. Trong khi đó để được hoãn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì doanh nghiệp (DN) phải tạm dừng sản xuất từ 1 tháng hoặc số lao động phải tạm thời nghỉ việc chiếm từ 50% trở lên. Vì vậy trong những ngày cuối tháng 6, ông phải chạy đôn chạy đáo để “vét” gần 150 triệu đồng đóng BHXH hết trong quý 2/2020. Hiện tỷ lệ đóng BHXH khoảng 22%, với mức lương tối thiểu vùng tại TP.HCM hiện nay là hơn 4,7 triệu đồng/người/tháng, DN phải đóng BHXH gần 1 triệu đồng/người/tháng. Như vậy bình quân mỗi tháng Công ty may Bình Hòa sẽ phải đóng tối thiểu 50 triệu đồng tiền phí BHXH.

Doanh nghiệp mệt mỏi nên chuyện đầu tư cũng chùn lại, có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu mà không đi vay như trước nữa

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM
Ông Ngọ nhấn mạnh: Các chính sách giảm thuế thu nhập DN thì không giúp gì được vì công ty mấy tháng nay thu không đủ bù chi. Vì vậy nhà nước cần xem xét hỗ trợ miễn giảm nhiều loại phí liên quan cũng như cho phép các DN được tạm hoãn đóng các loại phí như BHXH, công đoàn... trong năm nay. “Trong quý 3 này và kéo dài sang quý 4, e là các DN ngành may cũng chưa hết khó khăn vì đơn hàng xuất khẩu rất hiếm. Nếu tạm hoãn phí đóng BHXH cũng đỡ căng thẳng cho chúng tôi. Mọi thứ đều dồn vô lúc khó khăn thì DN khó gồng được lâu và nguy cơ phải đóng cửa, ngưng hoạt động dễ xảy ra”, ông Ngọ nói.
Tương tự, ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cũng cho biết đến nay công ty không tiếp cận được gói hỗ trợ nào dù ngành lữ hành trong mấy tháng hầu như đóng băng hoàn toàn. Hỏi cục thuế thì không quản cái này, hỏi cơ quan địa phương cũng không biết, phía liên đoàn lao động thì nói khuyến khích DN không sa thải nhân viên. “Tôi nghĩ cần phải có một đầu mối tiếp nhận các kiến nghị, cần hỗ trợ của DN. Còn việc phân chia nhiệm vụ, thực hiện cụ thể thì các bộ ngành, cơ quan nhà nước phải tự liên hệ với nhau. Có như vậy mới đúng là hỗ trợ DN. Hiện nay, điều mà nhiều DN cần nhất là được cho vay không lãi suất để trả lương nhân viên, giúp họ cầm cự qua giai đoạn khó khăn. Vì vậy Chính phủ cần phải thúc đẩy, giảm các điều kiện để triển khai nhanh hơn”, ông Thành nhấn mạnh.

Hỗ trợ chỉ được 1/3 chặng đường cả năm

Tình trạng DN không tiếp cận được các gói hỗ trợ của Chính phủ dù sau hơn 2 tháng triển khai đã được nhắc đến nhiều. Trên thực tế, cho đến nay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng cho DN vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn chưa giải ngân được khoản vay nào. Trong khi theo quy định, nếu đến hết ngày 31.7, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết tiền vay tái cấp vốn thì chậm nhất ngày 15.8 phải trả lại Ngân hàng (NH) Nhà nước.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với địa phương vào đầu tháng 7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư có kịch bản tăng trưởng cụ thể trong 2 quý cuối năm; đưa ra giải pháp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập. Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ, tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm
2 - 3%. Như vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng ít nhất 10% trong năm nay thì các gói hỗ trợ cho DN phải tiếp tục đẩy nhanh hơn.
Ngoài ra, theo Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 29.6, các địa phương đã phê duyệt danh sách 15,8 triệu người thuộc 6 nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là 17.500 tỉ đồng; Kho bạc Nhà nước các địa phương đã giải ngân hơn 11.267 tỉ đồng để thực hiện hỗ trợ cho hơn 11 triệu người và 6.196 hộ kinh doanh; BHXH VN đã giải quyết cho DN được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với tổng kinh phí gần 475,33 tỉ đồng... Tính chung các khoản hỗ trợ nêu trên chỉ mới thực hiện được một nửa trong gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng mà Chính phủ đã công bố.
Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, cho hay các DN xuất khẩu đi châu Âu và Mỹ gần như bị dừng lại nhưng thị trường nội địa khởi sắc khá tốt. Tuy nhiên việc vay vốn NH hiện khó, không dễ như trước. Trước đây, DN phải thế chấp tài sản 10 đồng thì vay được 8 đồng, bây giờ NH chỉ cho vay 6 - 7 đồng. Do đó một số DN có nhu cầu vốn bình thường nhưng muốn vay cần đáp ứng thêm điều kiện nữa, NH không cho tín chấp. Trong khi đó, đầu ra của DN cũng không khởi sắc, thường bắt đầu tháng này DN “đánh” hàng cho 6 tháng cuối năm và đưa vào vận hành một số nhà máy đầu tư cho kế hoạch năm sau thì nay phải tạm dừng nhà máy đang xây, dừng lại máy móc triển khai... dẫn đến nhu cầu vốn không cần. “DN mệt mỏi nên chuyện đầu tư cũng chùn lại, có bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu mà không đi vay như trước nữa. Muốn hồi phục lại thị trường thì phải hồi phục lại lòng tin, NH cũng nên tin DN đã là khách hàng lâu năm của mình. Ngoài ra, thị trường nội địa đang được kích cầu lớn, dù sao dịch cũng sẽ qua nên NH cần tăng cường rót vốn cho DN đầu tư, trang thiết bị, tích trữ nguyên vật liệu để khi các thị trường nước ngoài mở cửa, DN trong nước có thể đáp ứng được nhu cầu”, ông Trần Việt Anh nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.