Sáng 29.1, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Hải Phòng để tìm hiểu nguyên nhân khiến hàng hóa phế liệu nhập khẩu chậm thông quan tại các cảng
Tổ công tác đã xuống thực tế tại cảng Green Port, cảng Tân Vũ và Chi cục Hải quan khu vực III, Cục Hải quan Hải Phòng. Theo ông Mai Tiến Dũng giữa năm 2018, Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng về thực trạng phế liệu nhập. Thủ tướng sau đó đã triệu tập họp và có một số chỉ đạo cụ thể. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các thông tư 08, 09 về quy chuẩn phế liệu nhập khẩu. Tuy nhiên gần đây doanh nghiệp phản ánh rất nhiều việc chậm trễ thông quan các lô hàng phế liệu làm ảnh hưởng lớn tới sản xuất. Nhà máy thì không có phế liệu để sản xuất, công nhân phải nghỉ việc trong khi hàng hóa lưu tại cảng, phải chịu phí lưu container, lưu bãi quá lớn.
"Thủ tướng yêu cầu phải xuống kiểm tra ngay, xem lại cách làm. Đã có đơn vị giám định độc lập rồi nhưng vẫn phải có sự tham gia của cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường. Việc này có cần thiết không, cần xem xét kỹ. Mở container ra, kiểm tra bằng mắt thường mà doanh nghiệp phải bố trí ăn ngủ, đưa đón, đi từ Nam ra Bắc, kinh phí ở đâu ra”, ông Mai Tiến Dũng đặt vấn đề.
Đại diện phía doanh nghiệp đi cùng đoàn công tác cũng lên tiếng về những khó khăn trong thời gian qua. Ông Hoàng Trung Sơn, đại diện Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết: “Tôi mà khóc được ở đây tôi cũng khóc nhưng thôi, 6 tháng qua chúng tôi khóc rất nhiều lần rồi. Việc nguyên liệu chậm thông quan đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp không biết đâu mà kể. Riêng tiền lưu container, lưu bãi đã lên đến 1.000 tỉ đồng. Căng thẳng nhất là các hãng tàu đều từ chối chở hàng hoặc nếu đồng ý thì họ cũng nâng giá gấp 1,5 lần”.
|
Theo các doanh nghiệp, trước ngày 29.10.2018, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không được thông quan vì Hải quan cho biết chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Thế nhưng sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông tư 08, 09 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với phế liệu (có hiệu lực từ 29.10.2018) thì nhiều cơ quan Hải quan vẫn không thông quan với các lô hàng đã đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật, với lý do chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Hải quan.
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan khẳng định: “Tổng cục Hải quan không chỉ đạo bất kỳ trường hợp nào đủ điều kiện mà không cho thông quan mà do quy trình của ngành tài nguyên môi trường hiện nay quá phức tạp. Không có nước nào thông quan như nước ta cả. Sau khi hàng hóa được 1 trong 13 doanh nghiệp do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định kiểm định đạt tiêu chuẩn vẫn phải chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương (nơi đặt nhà máy) để sở cho một cái công bố. Tôi thấy việc Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định các Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì là không hợp lý. Như thế, 1 lô hàng đến 10 ngày, thậm chí 30 ngày cũng không xong”.
Trước ý kiến của hải quan, ông Vũ Tuấn Nhân/, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: “Doanh nghiệp nói rằng quyền thông quan hay không là ở Hải quan. Nay Tổng cục Hải quan phát biểu vậy là đùn đẩy trách nhiệm. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng làm rõ để xác định trách nhiệm các bên”. Tuy nhiên, ông Võ Tuấn Nhân cũng thừa nhận tình trạng tồn đọng tại các cảng có phần có lỗi của ngành Tài nguyên và Môi trường, khi các đoàn kiểm tra phế liệu quá cồng kềnh, phương pháp kiểm tra trên thực tế cũng có vấn đề.
|
Sau một số ý kiến, ông Mai Tiến Dũng đề nghị: “Chúng ta đồng thuận báo cáo Thủ tướng là quyết liệt xử lý hàng phế liệu tồn kho dù có chủ hoặc không có chủ. Với phế liệu có chủ, đề nghị ngành hải quan yêu cầu các doanh nghiệp mở tờ khai ở thời điểm nào thì áp dụng theo chính sách ở thời điểm đó. Các lô hàng về cảng bất kỳ thời điểm nào, kể cả trước khi các Thông tư 08, 09 có hiệu lực, nếu đáp ứng quy chuẩn sẽ được thông quan. Đề xuất Thủ tướng đồng ý chỉ áp dụng duy nhất 1 giám định độc lập theo hình thức xã hội hóa có sự tham gia của hải quan để cung cấp và chịu trách nhiệm toàn bộ chất lượng kiểm định, giám định lô hàng. Việc này sẽ được báo cáo tại phiên họp Chính phủ để đề nghị sửa các nghị định liên quan. Đề nghị Bộ tài nguyên và Môi trường xem xét điều chỉnh thông tư 08, 09, không cần thiết các Sở Tài nguyên và Môi trường phải tham gia vào công tác giám định và công tác thông báo công tác giám định”
Riêng những lô hàng vô chủ tại Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng đề nghị sẽ bố trí nguồn lực và kinh phí xử lý.
Bình luận (0)