Doanh nghiệp khốn khổ vì hàng chờ trả bị kiểm tra

24/10/2020 06:20 GMT+7

Một lô hàng găng tay làm bếp nhập khẩu không đạt chất lượng, đang được chờ tái xuất bị cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ và tuyên bố hàng “đã qua sử dụng, đang được phân loại để đưa ra thị trường” khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Giữ hàng mới, nói hàng đã qua sử dụng ?
Trong đơn thư gửi đến Báo Thanh Niên, Công ty cổ phần đầu tư công nghệ mới Hải Thịnh (Công ty Hải Thịnh) cho biết công ty này có ký hợp đồng mua lô hàng găng tay cao su tổng hợp nitrile không bột với nhà cung cấp từ Malaysia, sử dụng cho mục đích làm bếp, làm vườn. Các lô hàng được thông quan lần lượt ngày 25.8, 27.8 và 8.9. Hàng nhập được lưu tại kho công ty ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội). Sau khi mở lô hàng, doanh nghiệp (DN) phát hiện hàng không đạt chất lượng theo thỏa thuận mua bán của công ty với nhà cung cấp, toàn bộ số hàng hóa đã được khoanh vùng và bảo quản tại kho để chờ xử lý. DN chủ động liên hệ với phía nhà cung cấp tại Malaysia để thông báo tình trạng lô hàng và đề nghị nhà cung cấp có biện pháp khắc phục đổi trả. Phía nhà cung cấp là Công ty Diroa Resources (Malaysia) đã có văn bản phản hồi “sẽ cử chuyên gia đánh giá lại chất lượng hàng hóa, cam kết đổi trả trong 60 ngày làm việc theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
Mọi việc trao đổi xử lý giữa DN hai bên diễn ra từ ngày 25.8, nhưng gần 1 tháng sau, ngày 23.9, Đội QLTT số 1 bất ngờ kiểm tra Công ty Hải Thịnh và đã thu giữ số hàng hóa này. Công ty Hải Thịnh khẳng định, tại thời điểm kiểm tra, tình trạng hàng hóa vẫn đang được tập kết thành từng cụm riêng biệt, hoàn toàn không có việc công nhân đang phân loại để đưa ra sử dụng.

Khó xử phạt

Ngày 22.10, trao đổi với Báo Thanh Niên qua điện thoại, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục QLTT TP.Hà Nội, khẳng định việc niêm phong lô hàng khi kiểm tra phát hiện có dấu hiện vi phạm là đúng thẩm quyền của QLTT và đúng luật. Hiện vụ việc này đang được chuyển cơ quan điều tra, khi nào có kết quả sẽ thông tin cụ thể.
Chuyên gia xuất nhập khẩu Nguyễn Lý Trường An (Công ty TNHH SeaAir Global, TP.HCM) cho rằng việc xử lý lô hàng này có 2 vấn đề: Thứ nhất chưa thể phạt DN vì DN chứng minh được hàng không đưa vào lưu thông trong thị trường nội địa, đang chờ đổi trả. Thứ hai, cũng theo trình bày của DN và đúng nội dung biên bản làm việc giữa 2 bên, theo định nghĩa của Nghị định 98/2020 thì có thể quy là hàng giả, việc niêm phong của cơ quan QLTT là đúng pháp luật. Đối với hàng nhập kém chất lượng, hàng giả… mà trong quá trình làm thủ tục hải quan phát hiện sẽ cho tiêu hủy hoặc buộc tái xuất. Với QLTT cũng vậy, sẽ có cách làm tương tự, trước mắt là cô lập lô hàng đó để xem xét xử lý. Tuy nhiên, việc đưa về kho của cơ quan QLTT để niêm phong, giám sát cần có sự phối hợp có thiện chí giữa 2 bên để lô hàng không bị hỏng, thay đổi so với hiện trạng ban đầu. Đó mới là điều quan trọng.
“Trong biên bản, không hề có nội dung khẳng định lô hàng là găng tay cũ, đã qua sử dụng hay chuẩn bị đưa ra thị trường… Thế nên, việc định hành vi sai đúng của DN là chưa có cơ sở nào cả. Xét về mặt luật pháp khi đem ra xem xét thì luôn phải đặt khái niệm “vô tội cho đến khi kết luận có tội”. QLTT không đủ cơ sở chứng minh DN đem hàng kém chất lượng vào trong quá trình lưu thông thì không có cơ sở để phạt”, ông Trường An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.