Khoản nợ khó đòi hàng trăm tỉ đồng
Giữa tháng 7.2020, Tập đoàn RTW Retailwinds (sở hữu chuỗi cửa hàng New York & Company) bất ngờ nộp đơn phá sản tại Mỹ, nhưng lại khiến Công ty cổ phần May Sông Hồng tại Việt Nam chới với khi có khoản phải thu là 219 tỉ đồng từ New York & Company thông qua đối tác là Công ty Easy Fashion Macao Offshore. Thông tin phá sản của đối tác lớn tại Mỹ cũng chỉ được Công ty May Sông Hồng biết qua báo chí và trang tin điện tử của Tòa án Mỹ. Đại diện Công ty May Sông Hồng cho biết hiện công ty vẫn đang tích cực phối hợp với đối tác để thu hồi số nợ nói trên.
Theo luật của Mỹ, Tập đoàn RTW Retailwinds sẽ có 180 ngày để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng để có thể khôi phục và cải thiện hoạt động kinh doanh và do đó vẫn có khả năng thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên, theo ý kiến từ Công ty kiểm toán Grant Thornton Việt Nam, với các thông tin hiện tại, Ban Tổng giám đốc Công ty May Sông Hồng chưa thể ước tính một cách đáng tin cậy về giá trị và khả năng thu hồi các khoản công nợ này. Do còn phụ thuộc vào kết quả của quá trình tái cơ cấu và hoạt động kinh doanh của Tập đoàn RTW Retailwinds cũng như sự thành công của quá trình thu hồi công nợ.
Trước đó, vào tháng 5, nhà bán lẻ hàng dệt may hàng đầu của Mỹ có lịch sử hơn 100 năm là JC Penney cũng đệ đơn xin phá sản. Đại diện một công ty dệt may chuyên xuất khẩu đi Mỹ cho hay cũng có vài doanh nghiệp (DN) đang gặp khó vì đối tác này ngưng hoạt động, nhưng nếu như chỉ gia công thì số tiền nợ sẽ không quá nhiều như May Sông Hồng giao dịch theo hình thức mua đứt bán đoạn. Hơn nữa, các DN nhỏ chưa niêm yết trên sàn chứng khoán nên cũng không bị yêu cầu phải công bố thông tin rủi ro này.
Khả năng thu hồi nợ từ các đối tác bị phá sản tùy từng trường hợp, nhưng có lẽ không kỳ vọng cao. Bởi thực tế từ năm 2018 khi Hãng bán lẻ Sears Holdings của Mỹ phá sản, Công ty cổ phần dệt may - đầu tư thương mại Thành Công (TCM) còn khoản nợ từ 2 công ty con của Công ty Sears là Roebuck & Co và Công ty Kmart Corporation lên hơn 100 tỉ đồng. Ngay khi có thông tin đối tác nộp đơn xin phá sản, phía Thành Công cũng công bố đã nỗ lực tham gia quá trình tòa án giải quyết thủ tục phá sản để thu hồi số tiền chưa thanh toán. Công ty này cũng thuê luật sư bên Mỹ tham gia quá trình xử lý, nhưng đến hết tháng 6.2020 Thành Công vẫn chưa thu được đồng nào trong số nợ hơn 100 tỉ đồng nêu trên.
Đẩy mạnh kiểm soát rủi ro
Từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 bùng phát nên đã có khoảng 10 tập đoàn lớn của Mỹ nộp đơn xin phá sản. Ước tính chỉ riêng hàng dệt may các công ty này đã có doanh số khoảng 10 tỉ USD. Điều này khiến các DN may tại Việt Nam bị ảnh hưởng khi đơn hàng sụt giảm. Đồng thời, nguy cơ bị nợ xấu gia tăng khi thời gian thanh toán đang bị nhiều đối tác kéo dài gấp 2, thậm chí gấp 3 lần so với trước đây.
Ông Vũ Quốc Chinh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định nguy cơ phá sản sẽ gia tăng khi thị trường tiêu thụ toàn cầu sụt giảm. Dù vậy cũng không loại trừ có những trường hợp xem phá sản như một chiến thuật trong kinh doanh để bảo vệ lợi ích cho chủ DN. Để hạn chế rủi ro tương tự xảy ra, DN Việt cần theo dõi thông tin đối tác thường xuyên; thuê đối tác tư vấn về luật có am hiểu thị trường Mỹ khi ký hợp đồng lẫn khi xảy ra tranh chấp vì hệ thống luật pháp của Mỹ cực kỳ phức tạp. Đồng thời nghiên cứu chọn giải pháp bảo hiểm trong thương mại như bảo hiểm thanh toán để gia tăng sự an toàn cho DN. Thậm chí đa dạng hóa phương thức thanh toán như tăng thêm phần chiết khấu để đối tác thanh toán ngay sau khi giao hàng tại cảng.
TS Châu Huy Quang, luật sư điều hành Hãng luật Rajah & Tann LCT, cho biết quy trình phá sản tại Mỹ có nhiều điểm tương đồng với pháp luật Việt Nam. Theo đó, việc phá sản sẽ được thực hiện bởi tòa án và quản tài viên được chỉ định theo yêu cầu của DN bị phá sản hoặc bởi các chủ nợ. Để tham gia vào thủ tục phá sản, chủ nợ phải cung cấp bằng chứng về quyền đòi nợ của mình. Cũng có một số trường hợp quản tài viên sau khi tra cứu sổ sách kế toán của công ty bị phá sản, sẽ gửi thư về địa chỉ của DN chủ nợ tại Việt Nam để thông báo về thủ tục phá sản, xác nhận khoản nợ và yêu cầu phản hồi cho biết ý kiến. Để hạn chế rủi ro tương tự, trước tiên DN phải sử dụng các phương pháp thanh toán bảo đảm như mở L/C tại các ngân hàng lớn thay vì dùng phương pháp chuyển tiền truyền thống.
Ngoài ra, DN có thể cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp đảm bảo nghĩa vụ thanh toán như cung cấp bảo lãnh ngân hàng (performance bond), thanh toán thông qua tài khoản ủy thác giữ khi đàm phán hợp đồng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa có giá trị lớn và phức tạp.
Riêng đối với các thương vụ có giá trị lớn, DN cần thiết cần phối hợp với phía tư vấn tài chính, luật sư tại chỗ hỗ trợ pháp lý thực hiện quy trình xét soát cẩn trọng về pháp lý và có được thông tin xác thực về năng lực tài chính của đối tác trước khi tham gia thương vụ. Nhìn chung khâu “tiền kiểm” áp dụng cẩn trọng đối với các thương vụ lớn, hay đối tác mới cần được ưu tiên hơn, có thể cứu vãn được quyền lợi của DN trong nhiều trường hợp kể cả phá sản.
TS Châu Huy Quang
|
Bình luận (0)