Doanh nghiệp tư nhân còn bị chèn lấn

11/07/2018 05:00 GMT+7

“Khát” vốn, khó tiếp cận đất đai, vướng rào cản thủ tục... là một loạt nguyên nhân khiến khu vực kinh tế tư nhân vẫn bị chèn lấn, còi cọc, chưa thể lớn nổi.

Nhận định trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại diễn đàn Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân, do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư tổ chức ngày 10.7.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, cho biết xét về số lượng, các DN tư nhân chiếm ưu thế song hiệu quả hoạt động chưa được cải thiện đáng kể. Gần 70% doanh nghiệp (DN) kinh doanh không có lãi, riêng khu vực hộ cá thể đóng góp 33% trên tổng số 40% GDP của khu vực tư nhân. Nhìn chung, khu vực kinh tế tư nhân còn manh mún, có tới 96% DN nhỏ và siêu nhỏ. “Nền kinh tế VN đang thiếu trầm trọng DN cỡ vừa, quản trị yếu kém, công nghệ thấp, khó tiếp cận vốn và thị trường, sức cạnh tranh không cao. Đối mặt với nhiều rào cản, rào cản về môi trường kinh doanh, bất bình đẳng với các khu vực kinh tế khác”, ông Phòng nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế các DN lớn, hiện nay trong số 1.000 DN lớn chiếm tới 56% số thu của cả quốc gia. Trong số đó chỉ thấy Viettel, Vietcombank, Honda, PVN... còn lại vắng bóng các DN tư nhân. Điều đó cho thấy thực trạng các DN tư nhân lớn hiện nay không đóng góp được nhiều cho ngân sách, số đông còn lại hoạt động chưa hiệu quả.
Chia sẻ quan điểm này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích điểm nghẽn của các DN tư nhân hiện nay là những khó khăn trong khâu tiếp cận vốn. Đối với nguồn vốn nhà nước, có 2 quỹ gồm Quỹ phát triển DN vừa và nhỏ thành lập năm 2014 vốn 2.000 tỉ đồng nhưng chưa khai thác được bao nhiêu. Quỹ bảo lãnh vay vốn của DN nhỏ và vừa thành lập từ 2003 nhưng 15 năm không làm được gì nhiều. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng không vay được nhiều. “DN tư nhân vẫn đang bị chèn lấn vốn, có sự phân biệt đối xử. Vốn dành cho DN nhà nước gần 30% nhưng đầu tư chưa hiệu quả. Lẽ ra dòng vốn đó phải được phân bổ cho tư nhân sẽ hiệu quả hơn”, ông Lực chia sẻ.
Nửa năm mới lấy được giấy phép xây dựng
Ông Đỗ Đình Hiệu, Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, cho biết các DN gặp nhiều khó khăn trong thủ tục. “Để ra được giấy phép xây dựng mất nửa năm thì cơ hội của DN cũng bay mất rồi”, ông Hiệu nói.
Theo thạc sĩ Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới - Viện Kinh tế và chính trị thế giới, các DN tư nhân trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc luôn được hỗ trợ rất mạnh, có nhà nước đứng đằng sau để tạo ra nhiều sản phẩm lớn. “Trong khi các DN tư nhân lớn của VN phần lớn là các DN bất động sản. Hơn 30 năm chưa có một DN tư nhân nào xứng tầm và có sản phẩm đứng được trên thế giới”, ông Sơn ái ngại.
Điều quan trọng nhất của VN, theo ông Sơn, cần phải đặt ra chiến lược xây dựng các công ty tư nhân của VN có tầm và sản phẩm quốc tế chứ không phải tăng về số lượng 1 hay 2 triệu DN. Nên giảm thiểu và loại bỏ DN nhà nước kém hiệu quả, cái gì không làm được để cho tư nhân làm. “Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là chính sách. Lâu nay, chính sách của chúng ta chưa rõ ràng, lại hay thay đổi thì không có DN nào làm được”, ông Sơn khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.