(TNO) Tính đến hôm nay (28.4), gần như tất cả các khách sạn tại Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng đã "cháy" phòng. Đáng chú ý là, mặc dù cơ quan chức năng ở các địa phương liên tục siết chặt việc quản lý giá dịch vụ lưu trú trong dịp lễ, nhưng tại nhiều nơi, giá phòng vẫn bị đội lên chót vót.
>> Thuê xe tự lái dịp lễ 30.4: Giá tăng gấp rưỡi mà vẫn không có xe>> Giá phòng nghỉ ở Hạ Long tăng chóng mặt
>> Tăng cường hơn 1.400 chuyến xe buýt dịp lễ
Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa - cho biết, chưa đến ngày lễ nhưng nhiều khách sạn ở Nha Trang đã đạt công suất 90%. Đặc biệt, các khách sạn dọc bờ biển đã kín phòng do du khách đặt từ trước.
Mặc dù Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã khẳng định có thể đáp ứng được nhu cầu của du khách trong kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày năm nay, với gần 13.000 phòng, nhưng giá phòng khách sạn vẫn cứ "leo thang".
Ghi nhận của PV Thanh Niên Online, các khách sạn lớn tăng giá phòng khoảng 20% so với ngày thường. Trong khi đó, nhóm khách sạn mini tăng giá mạnh, có nơi tăng gấp 2-3 lần ngày thường.
Khách sạn từ 2 sao trở xuống trên đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thiện Thuật (TP.Nha Trang) nhân dịp lễ đã tăng gấp 2, vọt lên 400.000 - 500.000 đồng/phòng/ngày. Một số khách sạn còn vài phòng trống, nhưng vẫn chưa vội cho khách đặt trước mà đợi đúng ngày lễ để cho thuê giá cao hơn.
|
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP.Nha Trang trong giai đoạn từ ngày 27.4 đến hết ngày 3.5. Theo đó, Sở Tài chính sẽ kiểm tra và đình chỉ các cơ sở kinh doanh có mức giá dịch vụ lưu trú tăng cao bất hợp lý, trên 50% so với mức giá đăng ký liền kề.
Thực tế, nhiều khách sạn mini vẫn tăng giá cao hơn nhiều lần. Chị N., nhân viên lễ tân một khách sạn trên đường Hoàng Hoa Thám, cho biết: “Những ngày này khách sạn nào cũng tăng giá. Khách sạn chúng tôi là loại nhỏ, cả năm mới đông khách được mấy ngày lễ. Chỉ tăng 50% thì cũng không ăn thua vì giá bình thường rất thấp”.
* Tình trạng tương tự đang diễn ra tại TP.Đà Nẵng, nơi sẽ tổ chức Lễ hội pháo hoa vào ngày mai (29.4).
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP.Đà Nẵng, phòng lưu trú không đến nỗi “cháy” khi khách sạn dưới 3 sao công suất hiện chỉ đạt 82%, giảm gần 14% so năm ngoái.
Tuy nhiên, khi khách đến hỏi thì hầu hết các khách sạn đạt chuẩn từ một sao trở lên trên địa bàn Đà Nẵng đều bị “hét” từ 1 triệu đồng/phòng đơn hoặc 1,3 triệu đồng/phòng đôi, tức đắt gấp 3, thậm chí gấp 4 lần ngày thường.
Nhiều khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo vô tư hét giá 1,8 - 3,5 triệu đồng/phòng/đêm, trong khi vẫn để bảng giá niêm yết ở quầy lễ tân thấp hơn 3 lần.
Cũng theo Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng, từ 15.3 - 20.4, Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Đà Nẵng đã xử phạt 39 khách sạn với số tiền 122 triệu đồng, khi tiến hành thanh tra 196/270 khách sạn. Tuy nhiên, chưa có khách sạn nào trong đợt này bị bắt quả tang “chặt chém” giá phòng đối với du khách.
|
Sở dĩ chưa bắt được trường hợp tăng giá phòng bất hợp lý là vì thủ đoạn “chặt chém” của các doanh nghiệp tinh vi hơn, sau đợt khách sạn Sun Shine và khách sạn Varna trên đường Trần Hưng Đạo (TP.Đà Nẵng) bị Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng phạt 15 triệu đồng hồi đầu tháng 3 (Thanh Niên đã đưa tin).
Do vậy, sau khi nhận cọc hoặc thanh toán trước tiền phòng, các khách sạn này chỉ ghi cho khách giấy đảm bảo đã thuê phòng chứ không ghi cụ thể số tiền, đề phòng khách “tố” Thanh tra Sở VH-TT-DL. Ngoài ra, để tránh bị thu thập thông tin, đội ngũ lễ tân cũng trở nên e dè hơn, không nói rõ giá phòng mà hứa sẽ gọi lại sau. Thậm chí nếu đã hết phòng, một số lễ tân vẫn xin số điện thoại khách, sau đó móc nối với các chủ nhà nghỉ bên ngoài để chiêu dụ.
Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cũng thừa nhận nhiều khách sạn vi phạm cam kết không tăng giá quá 30%, nhưng rất khó có bằng chứng để xử phạt.
Đồng thời, tại cuộc họp tổng rà soát công tác chuẩn bị cho Lễ hội pháo hoa, vào ngày 24.4, ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho biết có tình trạng các hãng lữ hành "gom" phòng lưu trú từ rất sớm, sau đó bán lại với giá cao, nên đã gây ra tình trạng “cháy” phòng ảo và đẩy giá phòng thêm đắt đỏ.
|
Không chỉ phòng lưu trú, vé xem pháo hoa vốn không “cháy” nhưng cũng bị “làm giá”. Hiện đơn vị tổ chức chỉ mới bán được ¾ lượng vé nhưng “phe vé” đã gom sạch các vé đẹp để “chặt chém” khách có nhu cầu.
Số liệu từ Sở VH-TT-DL TP.Đà Nẵng cho thấy còn hơn 7.500 vé chưa bán, tập trung ở khán đài C2 và C3, trong khi “cò” toàn bán vé khán đài C1 với giá 400.000 đồng/vé. Giá này cao hơn 100.000 đồng so với quy định nhưng vẫn bán chạy do chỗ ngồi tốt hơn.
Khi PV hỏi vé mời dành cho khách VIP, “cò” cho biết cần bao nhiêu cũng có với giá 1,5 triệu/cặp, nhưng hẹn giao vé ở nơi khác vì sợ bị bắt quả tang.
Vũng Tàu: Chủ nhà nghỉ tư nhân tăng giá Tính đến ngày 28.4, hầu hết các khách sạn, khu du lịch (KDL), resort trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có hơn 90% số phòng được đặt cho dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay. Khi được hỏi, các chủ nhà nghỉ cũng ra giá khá cao, tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Cụ thể, giá phòng ngày thường khoảng 300.000 đồng thì dịp này tăng lên từ 800.000-1triệu đồng/phòng/đêm. Giá phòng của một số khách sạn có sao cũng tăng 50%. Trước đó, từ ngày 25.4, Đoàn kiểm tra liên ngành TP.Vũng Tàu phối hợp với Ban quản lý các khu du lịch TP.Vũng Tàu tiến hành kiểm tra các quán ăn, nhà nghỉ trên các tuyến đường trọng điểm và các khu du lịch tại Bãi Sau, trong đó tập trung vào các địa chỉ “đen” chuyên "chặt chém" khách. Nhờ đó, nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã niêm yết giá công khai. Nguyễn Long |
Nguyễn Chung - Nguyễn Tú
Bình luận (0)