Đừng tư duy truyền thống với Uber, Grab

Chí Hiếu
Chí Hiếu
27/03/2018 04:39 GMT+7

Chiều 26.3, tại hội thảo lấy ý kiến rà soát điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giao thông vận tải do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) tổ chức, câu chuyện bất bình đẳng giữa taxi truyền thống và Uber, Grab một lần nữa lại được xới lên.

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng taxi truyền thống đang chịu quá nhiều thủ tục, điều kiện nên thiệt thòi so với “taxi công nghệ”. Ông kiến nghị Bộ GTVT khi sửa Nghị định 86 về điều kiện kinh doanh vận tải tới đây cần có cơ chế quản lý chung cho taxi truyền thống lẫn taxi công nghệ, bởi bản chất đều dùng xe dưới 9 chỗ để kinh doanh. Ông Hùng cũng đề nghị không nên rút ngắn chu kỳ kiểm định xe còn 6 tháng mà nên giữ nguyên từ 12 - 24 tháng như trước. Hoặc bỏ quy định kiểm định đồng hồ tính tiền vì doanh nghiệp đã niêm yết giá, đăng ký giá rồi mà chỉ nên chuyển qua hậu kiểm, nếu phát hiện sai thì mới phạt... “Hay việc thay đổi giá dưới 5% thì không cần xin phép mà chỉ kê khai, bởi Uber, Grab tăng giá giờ cao điểm rất nhiều mà không ai quản lý”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, Uber, Grab định giá dựa vào quan hệ cung cầu trên thị trường, còn chấp nhận hay không thì khách hàng vẫn có quyền từ chối không đi nếu tăng cao giờ cao điểm. “Khi cung lớn hơn cầu thì họ (Uber, Grab) sẽ giảm giá. Do đó, bắt taxi công nghệ phải theo tư duy truyền thống thì không nên”, chuyên gia Ngô Trí Long bày tỏ. Dù vậy, ông Long cũng thừa nhận đúng là taxi truyền thống bị ràng buộc nhiều, cần giảm bỏ điều kiện kinh doanh để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.
Tương tự, TS Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu, quản lý kinh tế T.Ư, cũng cho rằng cần loại bỏ tư duy kinh doanh là phải làm từ đầu đến cuối bởi họ chỉ kinh doanh một công đoạn, như dịch vụ phần mềm kết nối của Uber, Grab. “Cho nên công bằng trong môi trường kinh doanh không phải là ở chỗ đó mà ví dụ như phải có nghĩa vụ về thuế, qua đó ta yêu cầu cần có hiện diện thương mại bằng pháp nhân VN”, ông Hiếu nói. Ông cũng đồng tình rằng rất nhiều điều kiện kinh doanh với taxi truyền thống cần bãi bỏ như kiểm định đồng hồ, hằng năm phải gia hạn việc mua tần số... “Điều này cần bãi bỏ ngay cả khi không có Uber, Grab”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Theo bà Trịnh Hằng Nga, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ GTVT, luật Giao thông vận tải đường bộ ra đời năm 2008, trong bối cảnh ứng dụng công nghệ chưa phát triển nên sẽ tiếp thu các ý kiến để có điều chỉnh khi xây dựng nghị định thay thế hoặc kiến nghị sửa luật. Tuy nhiên, với các điều kiện kinh doanh thì nhiều nội dung vẫn còn gây các cách hiểu khác nhau là điều kiện hay quy chuẩn, tiêu chuẩn. “Qua quá trình rà soát thì nhiều điều kiện về gia nhập thị trường đã được bãi bỏ. Còn các điều kiện phát sinh trong quá trình hoạt động thì sẽ được đơn giản tối đa”, bà Nga cho biết.
Grab mua lại Uber Đông Nam Á, giá cước để ngỏ
Sáng 26.3, Grab thông báo đã mua toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường VN. Theo thỏa thuận, Grab mua lại toàn bộ dịch vụ đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn tại Đông Nam Á của Uber. Grab cũng tiếp nhận toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và VN. Cùng với đó, Uber cho biết sẽ chính thức dừng hoạt động tại VN từ ngày 8.4. Uber sẽ nhận được 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần hiện nay của Uber tại khu vực Đông Nam Á.
Việc Grab mua lại Uber không chỉ khiến các tài xế Uber mà nhiều khách hàng lo lắng về chính sách giá sẽ thay đổi theo chiều hướng tăng lên khi Grab không còn đối thủ. Trả lời Thanh Niên về vấn đề này, ông Jerry Lim, Tổng giám đốc Grab VN, cho rằng việc có thêm nhiều đối tác tài xế sẽ giúp nhu cầu di chuyển của người dân dễ dàng hơn, rút ngắn thời gian chờ xe. Tuy nhiên, việc chính sách giá sẽ thay đổi theo hướng nào chưa được đại diện Grab làm rõ.
Mai Hà - Hà Mai
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.