Giá cao, quảng cáo trên xe buýt bị ế

Gói thầu số 1 quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM trị giá trên 161 tỉ đồng đã có chủ, nhưng 3 gói còn lại vẫn "ế".

Kết quả này gây bất ngờ bởi trong cả thập niên qua, nhiều kiến nghị kêu gọi cho phép hình thức quảng cáo này vì tính hiệu quả của nó.
DN nội than không kham nổi
Trước đó, ngày 12.9, Sở GTVT TP.HCM thông báo phát hành hồ sơ đấu giá 2.082 xe buýt thông qua Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản TP.HCM. Tài sản đấu giá là quyền khai thác quảng cáo trên 2.082 xe buýt, chia thành 4 gói trong thời hạn 3 năm, gồm: Gói 1 có 492 xe thuộc 25 tuyến, giá khởi điểm hơn 161 tỉ đồng; gói 2 gồm 538 xe thuộc 23 tuyến, giá khởi điểm gần 193 tỉ đồng; gói 3 gồm 527 xe thuộc 26 tuyến, giá khởi điểm hơn 171 tỉ đồng và gói 4 gồm 525 xe thuộc 30 tuyến, giá khởi điểm trên 167 tỉ đồng.


Mức giá cao hay thấp là phụ thuộc vào thị trường. Giá thầu càng cao thì càng có lợi cho ngân sách thành phố


Ông Trần Chí Trung,
Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng



Tổng trị giá của 4 gói thầu trên là gần 700 tỉ đồng. Kết quả theo Sở GTVT, Công ty Koa Sha Media VN (Nhật Bản) là đơn vị duy nhất tham gia đấu giá đã trúng thầu quảng cáo gói 1. Ba gói còn lại chưa có nhà thầu nào đăng ký đấu giá.
Nguyên nhân quảng cáo trên xe buýt "ế", theo ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA), là do giá quá cao. Minh chứng là thị trường quảng cáo xe buýt ở Hà Nội cũng hấp dẫn không kém mà giá chỉ bằng 1/5 - 1/4 lần giá đưa ra của TP.HCM. Với mức giá nói trên, tính ra mỗi năm, doanh nghiệp (DN) phải đóng hơn 60 tỉ đồng và không DN nào chịu nổi. Đó là lý do theo ông Cáp, khi mở thầu gói số 1, cũng có nhiều công ty đăng ký đấu thầu nhưng không đóng tiền mà âm thầm rút lui. Đến khi mở thầu lần 2 cũng không có công ty nào tham gia nên mặc nhiên phía Koa Sha Media VN được nhận thầu.
Ông Cáp cũng lo ngại, với giá sàn quá cao, tổng trị giá của mỗi gói thầu rất lớn nên DN VN sẽ khó có thể tham gia và khai thác hiệu quả cho cả 4 gói. “Khi đó, DN nước ngoài tham gia và mặc nhiên thắng, sẽ dẫn đến việc khai thác quảng cáo là độc quyền”, ông Cáp nói.
Một số DN trong HAA cũng đề nghị xem xét lại giá sàn theo hướng giảm 20% so với giá hiện hữu để nhiều DN có thể tham gia đấu thầu.
Giá thầu cao, có lợi cho ngân sách
Theo ông Cáp, việc phân chia các gói thầu cũng có nhiều bất cập. Hiệu quả quảng cáo trên thân xe buýt dựa trên tuyến xe tốt (xuất phát từ quận trung tâm); tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn; tuyến xe có lượng hành khách cao; kích thước xe lớn... Dựa trên các tiêu chí đó, dễ dàng nhận thấy gói số 1 có những ưu điểm vượt trội so với 3 gói còn lại. Như vậy các đơn vị tham gia đấu giá chỉ quan tâm đến gói số 1, các gói còn lại sẽ không khai thác được, gây thất thu ngân sách. "TP nên cân nhắc chia nhỏ số lượng xe và tăng các gói thầu để tạo cơ hội cho nhiều DN tham gia hơn", ông Cáp đề xuất.
Không đồng tình với ý kiến này, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, Sở GTVT TP.HCM, cho biết: Trước khi đấu thầu, Sở đã gửi văn bản đến các DN xin ý kiến đóng góp, họp bàn kỹ lưỡng với Hiệp hội Quảng cáo TP để xây dựng phương án tổ chức đấu thầu.
Giá của cả 4 gói thầu cũng đã được trình Sở Tài chính phê duyệt. “Nếu giá cao tại sao vẫn có nhà thầu trúng? Nói gói này “ngon” hơn gói kia tại sao các DN không nhảy vào tranh gói “ngon” đó? Đấu thầu, đấu giá công khai minh bạch, không trúng hay không đủ điều kiện tham gia đấu là do năng lực của DN. Mức giá cao hay thấp là phụ thuộc vào thị trường. Giá thầu càng cao thì càng có lợi cho ngân sách TP”, ông Trung nói và thông tin thêm: Với 3 gói thầu còn lại, TP sẽ tiếp tục phân chia triển khai bán dần từ khoảng tháng 11 cho đến khi hết.
KTS Ngô Viết Nam Sơn thì góp ý, các gói thầu quảng cáo nên chia theo thị phần bởi các tuyến xe buýt có đối tượng khách khác nhau. Chia theo đối tượng khách mới xác định được mức tác động đến người xem quảng cáo, mới hiệu quả. Còn chia theo gói thầu lớn, nhỏ chỉ là mặt kỹ thuật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.