Ngay sau cuộc họp trực tuyến báo cáo tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản, cung ứng thực phẩm tại các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Chính phủ có chương trình thu mua lúa gạo dự trữ quốc gia, đảm bảo an ninh lương thực, giúp ổn định thị trường lúa gạo.
Theo Bộ này, các tỉnh Nam bộ đang vào thời kỳ thu hoạch lúa hè thu có diện tích gần 1 triệu ha với sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn lúa.
Ghi nhận tại các địa phương, giá lúa trên thị trường đang ở mức thấp. Cụ thể, tại An Giang, giá lúa nếp tươi từ 4.000 - 4.200 đồng/kg, cao nhất là 4.600 đồng/kg. Tại Long An, giá lúa phổ biến ở mức 4.400 - 4.800 đồng/kg.
Theo phản ánh từ các địa phương, ở mức giá này, nông dân trồng lúa lãi rất ít, thậm chí không có lãi. Giá lúa rẻ nhưng thương lái, cơ sở thu mua rất ít, do nhiều cơ sở thu mua, chế biến lúa gạo đang tạm ngừng hoạt động vì Covid-19.
Đại diện một doanh nghiệp thu mua, chế biến lúa gạo, ông Nguyễn Quang Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ (H.Thủ Thừa, Long An), cho rằng giá lúa hè thu giảm là do nhiều chuỗi thu hoạch, chế biến lúa gạo bị đứt gãy sản xuất.
Những năm trước, vụ lúa hè thu rất sôi động, hệ thống máy gặt, ghe thu mua, lò sấy… hoạt động hết công suất, đủ sức tiêu thụ toàn bộ sản lượng. Nhưng năm nay, lượng thu mua bị giảm sút mạnh do khó khăn trong kiểm soát đi lại, và một số nhà máy chế biến lúa gạo giảm công suất hoạt động, dừng hoạt động.
Mua dự trữ để kích cầu thị trường
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cũng cho biết nếu so sánh với vụ năm 2020, giá lúa hè thu tại thời điểm hiện tại của năm nay đang giảm từ 300 - 500 đồng/kg.
Chia sẻ về đề xuất của Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, thực tế đã có tình trạng giá lúa xuống thấp, nông dân lưỡng lự xuống giống sản xuất vụ lúa thu đông. Nếu không có chương trình thu mua, kích cầu thị trường lúa hè thu để nông dân tái sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lúa cả năm trong mục tiêu Bộ NN-PTNT.
Cũng theo ông Nam, sản lượng lúa hè thu hiện rất lớn, nếu không có chương trình thu mua kích cầu kịp thời thì sẽ có nhiều đối tượng trục lợi, nông dân sẽ thiệt thòi.
“Nếu Chính phủ có chương trình thu mua dự trữ quốc gia để đảm bảo an ninh lương thực thì khi đó, thị trường được kích cầu, giá lúa sẽ tăng và nông dân có động lực đầu tư sản xuất cho vụ thu đông”, ông Nam nói.
Bình luận (0)