Tiềm ẩn nỗi lo an ninh lương thực giữa đại dịch

09/04/2020 08:15 GMT+7

Giữa lúc đại dịch Covid-19 lan rộng, những diễn biến mới liên quan đang gây gián đoạn các nguồn cung thực phẩm, đe dọa khả năng đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực.

Tờ Phnom Penh Post đưa tin Thủ tướng Campuchia Hun Sen yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu gạo trắng và thóc từ ngày 5.4 để đảm bảo sản lượng gạo dự trữ khi tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, gạo thơm Campuchia vẫn được xuất khẩu bình thường vì nhu cầu trong nước không cao. Trước đó, báo Myanmar Times ngày 1.4 cũng đưa tin Bộ Thương mại Myanmar thông báo tạm ngừng cấp giấy phép xuất khẩu gạo, cho biết sẽ sớm có hệ thống xuất khẩu gạo tốt hơn trong tương lai.

Các lệnh hạn chế gây ác mộng

Tờ South China Morning Post mới đây thông tin các nông dân trên cao nguyên Cameron giữa lòng Malaysia đang đối mặt với cơn ác mộng hậu cần vì lệnh phong tỏa toàn quốc để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan tại nước này. Tại Philippines, các nhà hoạt động vì quyền nông dân đang lo ngại hơn bao giờ hết vì tình trạng suy dinh dưỡng của nông dân khi họ buộc phải chuyển sang ăn nông sản mình trồng vì cạn tiền mua rau quả và thịt do các lệnh hạn chế di chuyển để chống dịch Covid-19. Còn tại Singapore, người kinh doanh nông sản đang tính toán xem nông phẩm còn có thể đầy đủ trên kệ các siêu thị tại đây trong bao lâu khi nhiều nước cung cấp thực phẩm cho Singapore bắt đầu áp dụng lệnh kiểm soát xuất khẩu.
Cuối tháng 3, Úc, Canada, Chile, New Zealand, Myanmar, Brunei và Singapore đã ký kết hiệp ước đặc biệt, đảm bảo chuỗi cung ứng và thương mại tiếp tục hoạt động dù nhiều quốc gia khác chọn hướng đi đóng cửa xuất khẩu, đảm bảo nguồn cung nội địa.
Tình trạng trên bắt nguồn từ những biện pháp ứng phó dịch bệnh, trong đó có cả việc hạn chế các hoạt động xuất khẩu một số mặt hàng nông sản, đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lương thực của thế giới. South China Morning Post dẫn lời Paul Teng, giáo sư ngành nông nghiệp của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), thậm chí cảnh báo khủng hoảng lương thực năm 2007 - 2008 có nguy cơ quay trở lại.
“Nó như là tâm lý bầy đàn khi nhắc đến gạo vậy, khi một quốc gia quyết định thế này, thì quốc gia khác cũng làm như thế, và cứ tiếp tục như vậy. Kết quả cuối cùng là một cuộc chạy đua gạo thực sự”, ông Teng nói.
Trong khi đó, nhiều nước tuy thường có sẵn nguồn dự trữ thực phẩm tương đối, với ít nhất 3 tháng đối với gạo, một loại thực phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, bước đi của các quốc gia xuất khẩu gạo trên khiến nhiều nước căng thẳng. Theo dữ liệu do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR), có 8 quốc gia khác trên thế giới đã công bố các lệnh hạn chế xuất khẩu vì đại dịch Covid-19.

Chung tay tìm cách giải quyết

South China Morning Post dẫn lời một thương nhân tại Singapore và ba công ty nhập khẩu thực phẩm thân cận với chính phủ các nước Malaysia, Indonesia và Philippines cho biết các quốc gia này đã chuẩn bị sẵn sàng cho các điều kiện bất lợi hơn. Cụ thể, các công ty này đã được yêu cầu mua số lượng lớn các sản phẩm không dễ hư hỏng, như thức ăn đóng hộp.
Trong khi đó, Calvin Chan, nhà sáng lập Green Hero - công ty kinh doanh thực phẩm xanh ở Malaysia hỗ trợ kết nối các nông dân ở cao nguyên Cameron với người dân thành phố mong muốn giúp đỡ các nhà sản xuất thực phẩm của đất nước trong giai đoạn khủng hoảng.
Cũng tại Malaysia, hàng ngàn người đóng góp khoản quỹ lên đến 300.000 ringgit (khoảng 69.000 USD) để cung cấp hai bữa ăn mỗi ngày cho các cộng đồng dễ bị tổn thương vì lệnh phong tỏa, bao gồm các lao động nhập cư, thổ dân Orang Asli, mẹ đơn thân, dân tị nạn và người vô gia cư.

[VIDEO] Nhà chật, người nghèo Ấn Độ leo lên cây để cách ly 14 ngày phòng dịch Covid-19

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) khẳng định hợp tác xuyên quốc gia là yếu tố cần thiết để ngăn chặn khủng hoảng lương thực trong khi chính phủ các nước vẫn áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn dịch Covid-19 riêng, theo AFP. Ba tổ chức này cho rằng: “Chính những lúc như thế này, không hơn, không kém, hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng. Chúng ta phải đảm bảo rằng công tác ứng phó dịch Covid-19 không vô tình gây ra sự thiếu hụt không đáng có các sản phẩm thiết yếu và làm trầm trọng thêm tình trạng đói và suy dinh dưỡng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.