Ngày 16.4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm tăng 9 đồng mỗi USD, lên 23.236 đồng/USD. Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại không thay đổi giá USD. Eximbank mua vào ở mức 23.340 đồng, bán ra 23.510 đồng; Vietcombank lần lượt là 23.320 đồng và 23.530 đồng… Trên thị trường tự do, USD tăng 10 đồng, mua vào lên 23.535 đồng, bán ra 23.580 đồng.
Lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng giảm 0,01 - 0,09% ở hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất USD qua đêm ngày 15.4 còn 0,35%/năm, 1 tuần còn 0,55%/năm, 1 tháng còn 1,11%/năm; riêng kỳ hạn 2 tuần tăng 0,05%, lên 0,83%/năm. Lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng điều chỉnh ở một số kỳ hạn như qua đêm tăng 0,05%, lên 1,82%/năm; trong khi các kỳ hạn khác giảm 0,01 - 0,06%/năm, như 1 tuần còn 2,03%/năm, 2 tuần còn 2,27%/năm, 1 tháng còn 2,62%/năm. Trên thị trường mở (OMO), Ngân hàng Nhà nước không còn mua vào các loại giấy tờ có giá của các ngân hàng như trước đó. Tuy nhiên, ngày 15.4 cũng là ngày đáo hạn, Ngân hàng Nhà nước hút về 9.448 tỉ đồng, đưa khối lượng của kênh cầm cố xuống 13.187 tỉ đồng
Ngày 16.4, giá USD thế giới tăng mạnh so với các ngoại tệ khác, chỉ số USD-Index tăng 0,9 điểm, lên 99,72 điểm. Các nhà đầu tư quay lại nắm giữ đồng bạc xanh trước những dự báo kinh tế không mấy khả quan. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra nhận xét kinh tế toàn cầu sẽ trải qua thời kỳ suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại khủng hoảng năm 1930 và vượt qua những gì đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn 10 năm. Cuộc khủng hoảng Covid-19 là “cuộc khủng hoảng không giống ai”, tổng chi phí GDP toàn cầu có thể lên 9.000 tỉ USD.
Những thông tin kinh tế không mấy khả quan đã làm thị trường chứng khoán Mỹ đêm 15.4 (tính theo giờ Việt Nam) giảm giá. Chỉ số Dow Jones giảm 445,41 điểm (tương ứng 1,86%), còn 23.504,35 điểm; S&P 500 giảm 62,7 điểm (tương ứng 2,2%), còn 2.783,36 điểm; Nasdaq giảm 122,56 điểm (tương ứng 1,44%), còn 8.393,18 điểm…
Bình luận (0)