Sáng 16.2, trên thị trường thế giới, chỉ số USD-Index đứng ở mức 90,31 điểm, giảm 0,38 điểm so với ngày hôm trước. Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 15.2, chỉ số này đã xuống gần mức đáy của tuần trước là 90,249 - mức thấp nhất kể từ ngày 27.1.
Theo Reuters, tỷ giá USD đã bắt đầu tuần mới ở gần mức thấp nhất trong hai tuần khi tâm lý lạc quan về việc triển khai vắc xin Covid-19 và gói kích thích trị giá 1.900 tỉ USD theo kế hoạch của chính phủ Mỹ đã thúc đẩy các đồng tiền rủi ro và thị trường chứng khoán trên khắp châu Âu và châu Á. Trong khi đó, đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc chứng kiến mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 6.2018 khi nhảy vọt lên đến 6,4010 NDT/USD. Đồng euro cũng kéo dài mức tăng 0,6% so với USD từ tuần trước, trong khi đồng bạc xanh chỉ có thể phục hồi một số khoản lỗ so với đồng yen Nhật.
Trong tuần này, thị trường ngoại hối sẽ chịu tác động từ một số thông tin như doanh số bán lẻ tháng 1 và số liệu sản xuất công nghiệp của Mỹ sẽ được công bố, trong đó doanh số bán lẻ được kỳ vọng sẽ là động lực chính chi phối thị trường tiền tệ. Tiếp đó, giới đầu tư sẽ chuyển hướng quan tâm sang báo cáo PMI sản xuất phát hành bởi Cục Dự trữ Liên bang Philadelphia (Philly Fed) và dữ liệu về số lượng đơn thất nghiệp hàng tuần. Đến cuối tuần, các con số PMI của khu vực tư nhân sẽ được công bố với dự đoán PMI ngành dịch vụ có thể gây tác động lớn nhất trong ngày đến đồng bạc xanh. Bên cạnh đó, biên bản cuộc họp của Ủy ban thị trường mở Liên bang (FOMC) cũng sẽ được phát hành vào ngày 17.2 và giới giao dịch kỳ vọng các chính sách của Ủy ban sẽ phù hợp với những phát biểu gần đây của Chủ tịch Fed Jerome Powell về triển vọng kinh tế... Theo các nhà phân tích tại MUFG, đồng bạc xanh có thể suy yếu hơn nữa nếu sự lạc quan của thị trường được duy trì.
Hiện tại, nhiều thị trường tài chính ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đóng cửa nghỉ Tết Tân Sửu. Đến ngày mai 17.2 (mùng 6 Tết Tân Sửu), các ngân hàng cũng như các điểm thu đổi ngoại tệ sẽ mở cửa hoạt động trở lại.
Bình luận (0)