Trên thị trường thế giới, đầu ngày 24.3 chỉ số USD-Index giảm 0,27 điểm xuống 102,21 điểm. Ngược lại, bảng Anh tăng nhanh so với USD thêm 0,51% lên 1,1587; tỷ giá euro so với USD cũng tăng 0,38% lên 1,0760...
Tại Việt Nam, tỷ giá USD ở một số ngân hàng đã tăng mạnh trong ngày 23.3 và hiện chưa có điều chỉnh. Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá giao dịch USD như cuối ngày trước đó là 23.600 - 23.760 đồng/USD, so với đầu ngày 23.3 thì đã tăng thêm 100 đồng. Eximbank giao dịch ở mức 23.560 - 23.730 đồng/USD, tăng 110 đồng so với đầu ngày 23.3... Đặc biệt, trên thị trường tự do, đồng bạc xanh sáng nay tiếp tục tăng giá mạnh gần 100 đồng so với đầu ngày 23.3 lên 23.785 - 23.950 đồng/USD.
Trong gần 2 tuần qua, đồng USD đã tăng giá mạnh mẽ cả trong lẫn ngoài nước. Cuối ngày 23.3, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp cho biết tỷ giá giữa đồng Việt Nam với USD tăng trong thời gian qua do biến động trên thị trường quốc tế và diễn biến của dịch Covid-19 tác động tới tâm lý thị trường trong nước. Tuy nhiên, qua theo dõi, cân đối cung cầu ngoại tệ đến nay về cơ bản không có biến động lớn. Trạng thái ngoại tệ vẫn tiếp tục duy trì ở mức dương. Các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng đều được tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần thiết với mức tỷ giá bán can thiệp thấp hơn tỷ giá niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế quay đầu giảm sau chuỗi ngày đi lên vì Thượng viện Mỹ ngày 23.3 chưa thông qua gói cứu trợ kinh tế với quy mô 1.000 – 2.000 tỉ USD. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ bắt đầu thực hiện một gói hỗ trợ bằng chương trình mua lại tài sản (nới lỏng định lượng – QE) với quy mô không giới hạn. Theo đó, Fed sẽ mua vào một cách rất mạnh mẽ các loại chứng khoán, bao gồm chứng khoán có tài sản đảm bảo và cũng sẽ mở ra các công cụ cho vay khối lượng lớn, bơm tiền vào nền kinh tế. Đồng thời, Fed sẽ bắt đầu thực hiện một loạt các biện pháp tín dụng chưa từng có dành cho các hộ gia đình, các doanh nghiệp…
Công bố của Fed chưa đủ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư tại Phố Wall khiến thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục có phiên giảm mạnh. Cuối ngày 13.3 (rạng sáng ngày 24.3 giờ Việt Nam), chỉ số Dow Jones giảm 582,05 điểm, tương đương 3,04%, đóng cửa ở 18.591,93 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2016. Chỉ số S&P 500 mất 2,93% xuống còn 2.237,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm nhẹ hơn với 0,27% xuống 6.860,67 điểm.
Bình luận (0)