Sáng 27.3, vàng miếng tại ngân hàng Eximbank được mua vào 54,95 triệu đồng/lượng và 55,2 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng so với ngày hôm trước. Còn Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC giữ nguyên giá mua vàng miếng là 54,9 triệu đồng/lượng nhưng tăng thêm 100.000 đồng ở chiều bán, lên 55,4 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, giá vàng chốt cuối tuần ở mức 1.733,8 USD/ounce, tăng gần 7 USD so với đầu ngày hôm trước. Quy đổi theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 48,4 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Dù thị trường giao dịch khá trầm lắng nhưng mỗi lượng vàng SJC vẫn cao hơn thế giới 7 triệu đồng/lượng.
Phiên cuối tuần giá vàng tăng nhẹ bất chấp đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu đi lên do sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19 ở nhiều nơi khiến nhà đầu tư gia tăng tìm kênh trú ẩn an toàn. Dù vậy kim loại quý cũng đã giảm 0,9% trong tuần này, đánh dấu tuần đầu tiên sụt giảm trong 3 tuần qua. Theo Reuters, lượng vàng tại quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã giảm hơn 140 tấn từ đầu năm đến nay. Đồng USD mạnh lên đẩy giá vàng đi xuống nhưng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 vẫn khá gian nan lại hỗ trợ kim loại quý đi lên. Hiện các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã bày tỏ sự thất vọng trước lượng vắc-xin ngừa Covid-19 mà AstraZeneca cung cấp còn rất thấp so với hợp đồng, khi làn sóng lây nhiễm thứ ba diễn ra trên khắp châu Âu...
Tuy nhiên, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered phát biểu trên Reuters cho rằng trong ngắn hạn, môi trường dự kiến tiếp tục hỗ trợ vàng khi xu hướng giảm của đồng bạc xanh tiếp tục và giới phân tích kỳ vọng lợi suất thực tế vẫn âm. Bà Cooper cũng dự đoán giá vàng trung bình đạt 1.775 USD/ounce vào quý 2/2021. Nhìn chung theo giới phân tích, hiện giá vàng đang được hỗ trợ ở ngưỡng 1.720 USD/ounce. Nếu xuyên thủng mốc này thì có thể sẽ xuất hiện một đợt bán mạnh và khiến vàng lùi về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.700 USD/ounce, mức đáy kể từ phiên ngày 12.3...
Bình luận (0)